Đó là một thực tế dở khóc dở cười mà nhiều bạn trẻ đang gặp phải.
Nhưng cũng thật đáng khen, nhiều người đã không vỡ mộng khi vừa bước hụt chân từ ghế nhà trường ra cuộc sống mà đã tự mày mò, tìm cho mình một lối lập nghiệp khác, dù nó chẳng liên quan gì đến kiến thức từng thu nạp...
Thắng “thợ đụng” và những chiếc ly đa sắc
Ngày trước, “thợ đụng” là từ để chỉ những người học hành trầy trật, không nghề nghiệp chính thức, ai kêu gì làm đó. Ngày nay, nhiều thanh niên dù được học hành đàng hoàng cũng bị cuộc đời xô đẩy vào nghề... thợ đụng. Nguyễn Hữu Thắng là một ví dụ.
|
Nguyễn Hữu Thắng và những chiếc ly mang lại thành công - Ảnh: Thanh Lộc
|
Học xây dựng cầu đường về làm... thợ đụng
Thắng (ngụ ở TP.Đông Hà, Quảng Trị) giờ đây là Giám đốc Công ty quảng cáo Trường Thắng, ít ai nghĩ người thanh niên trắng trẻo điển trai kia từng là thợ rửa xe máy, lái taxi.
Thắng kể rằng 9 năm trước, khi vừa ra trường, đã có những ngày anh thực sự vỡ mộng, chui nhủi trên gác trọ, cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành xây dựng cầu đường của một trường CĐ ở Đà Nẵng mà lòng rưng rức khóc thầm. “Giấc mơ về những ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, về những chiếc cầu nối đôi bờ sông hay một công việc làng nhàng ở cơ quan nhà nước... tưởng như xa vời vợi. Nhưng cuối cùng, tôi phải chấp nhận một sự thật đắng đót rằng mình phải quên tấm bằng đi, quên những ngày đèn sách và quên những kiến thức chuyên ngành đã học và bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới”, Thắng nói.
“Đói thì đầu gối phải bò”, Thắng mở tiệm... rửa xe máy. Nhiều người bắt đầu thấy tiếc nuối xen lẫn xót xa khi một sinh viên vừa ra trường lại phải kiếm sống bằng cái nghề vất vả và không mấy sạch sẽ (về nghĩa đen). Nhưng Thắng bảo lúc ấy anh không có sự lựa chọn. “Tôi lập gia đình sớm, hai bên nội - ngoại cũng khó khăn. Nếu tôi không lăn mình vào xà phòng, nước rửa xe thì lấy gì cáng đáng gia đình, lấy gì cho con uống trong ngày khát sữa?”, Thắng tâm sự.
Nhưng việc rửa xe ngày có ngày không, gặp tháng trời mưa, cả chục ngày “đói” khách, Thắng lại quyết định “đổi nghề”, chuyển qua lái taxi. Cái nghiệp tài xế gắn với Thắng không lâu... Và với đôi bàn tay trắng, với tấm bằng bỏ xó, anh thực sự không biết bắt đầu từ đâu!
Cơ duyên với những chiếc ly
Thắng học chuyên về kỹ thuật nhưng lại có năng khiếu về mỹ thuật. Anh đã vay mượn khắp nơi để mở một cơ sở nhỏ chuyên in ấn thiệp mời, photocopy.
Nhọc nhằn buổi đầu khởi nghiệp và những giọt mồ hôi đã sớm vơi đi khi những đồng tiền chính đáng được Thắng thu về đều đặn. Được gia đình, bè bạn động viên, Thắng lập công ty hẳn hoi và đầu tư cả máy in khổ lớn.
Anh và vợ còn tìm ra một hướng phát triển khá độc đáo cho nghề in ấn tại địa phương. “Ở các thành phố lớn, việc in các hình lên quà tặng, lên ly tách khá phổ biến. Nhưng ở Đông Hà, mặt hàng lưu niệm này gần như để ngỏ. Trong khi nhu cầu là có thật, đặc biệt là ở các bạn trẻ”, Thắng nói.
Thắng đầu tư mua máy in nhiệt đồng thời mày mò kỹ thuật tráng men lên ly sứ để rút ngắn công đoạn sản xuất thay vì phải thuê gia công. Đặc biệt, ngoài việc in hình lên ly sứ thông thường, Thắng còn thực hiện thành công kỹ thuật làm cho ly... biến hình. “Ví dụ, tôi in một cái hình của tôi vào lớp men trong sau đó mới cho in một lớp thứ hai với hình vẽ hoàn toàn khác. Khi ra thành phẩm, nếu tôi rót nước nóng vào ly thì hình vẽ ở lớp thứ hai sẽ tự động tan đi và lộ ra hình của tôi ở bên trong. Trái lại, khi nước lạnh thì chiếc ly sẽ không... biến hình”, Thắng lý giải.
Từ năm 2012, mặt hàng “ly biến hình” của Thắng đã thực sự gây ra một cơn “sốt” đối với giới trẻ ở TP.Đông Hà. Tiếng lành vang xa, nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng tìm đến đặt hàng. Vợ Thắng cho hay, bây giờ ra giêng công việc làng nhàng chứ thời điểm tháng chạp, vợ chồng Thắng cùng nhóm thợ phải “vắt chân lên đầu, lên cổ” để kịp đơn hàng.
“Có ai sinh ra là đã giỏi nghề đâu? Và cũng chẳng ai quy định, khi ra đời là anh cứ nhất nhất phải làm nghề đó? Tôi nghĩ bất kỳ nghề gì mà người làm có ý chí, có kỹ năng cộng thêm chút may mắn nữa thì chắc chắn sẽ thành công”, Thắng chia sẻ.
Bình luận (0)