‘Học ngành kinh tế có người kiếm tiền tỉ nhưng…’

Hà Ánh
Hà Ánh
14/02/2023 15:10 GMT+7

'Không phải học kinh doanh ra để làm giàu, có người học ngành kinh tế ra trường kiếm tiền tỉ nhưng có người kiếm 5-7 triệu đồng/tháng là khó khăn rồi…'

Đó là chia sẻ của chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật" diễn ra vào sáng 14.2. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

‘Học ngành kinh tế có người kiếm tiền tỉ nhưng…’ - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH

Đ.N.T

Học kinh tế, cần những tố chất nào?

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết kinh tế, quản lý, luật… là những lĩnh vực đòi hỏi những tố chất rất đặc trưng. Đó cũng chính là những tố chất để đeo đuổi việc học thành công ở một trường ĐH. Chẳng hạn, Trường ĐH Việt Đức tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng dành cho 3 khối ngành, mỗi khối ngành đều kiểm tra các khả năng tổng quát như nhau. Tuy nhiên, ở bài thi chuyên môn, mỗi lĩnh vực có yêu cầu khác nhau. Trong đó, với khối ngành kinh tế đòi hỏi thí sinh từ việc phân tích xu thế, hiện tượng kinh tế thông qua các con số từ đó đưa ra các nhận định, theo ông Viên.

Cũng theo ông Viên, ngay trong lĩnh vực kinh tế, người học cũng có những định hướng khác nhau về công việc tương lai như: trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, nhà quản lý tự khởi nghiệp thành lập công ty riêng hay đi làm công ăn lương… Tương ứng với những công việc này sẽ có những yêu cầu khác nhau.

"Trong đó, các yêu cầu chung sẽ là khả năng đọc, tiếp cận, thu thập và tiếp cận thông tin nhanh chóng, đưa ra các nhận định đánh giá dự báo chính xác. Các bạn cần phải có năng lực toán học rất tốt và trong xu thế hiện nay khi tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, người học phải có năng lực ngôn ngữ, sử dụng công nghệ thông tin", tiến sĩ Viên phân tích.

"Tuy nhiên, nếu muốn trở thành người lãnh đạo trong lĩnh vực này thì các yếu tố như sự kiên trì, dám chấp nhận, năng lực nhạy cảm… lại rất quan trọng. Làm kinh tế phải 'ngửi' được mùi tiền ở đâu và làm gì để ra tiền. Ngoài lĩnh vực kinh tế, người này còn phải hiểu biết thêm rất nhiều lĩnh vực khác, nắm bắt xu thế toàn cầu, có năng lực quản trị tốt…", ông Viên lưu ý.

Còn thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM, cho rằng: "Bạn nào đặc biệt yêu thích tìm hiểu các quy luật kinh tế, lưu thông hàng hóa, sử dụng tài chính tiền tệ… các bạn xem xét xem việc học ngành này".

"Học những ngành này, các bạn phải giỏi nhiều lĩnh vực, am hiểu nhiều vấn đề không chỉ trong nước mà của nhiều quốc gia khác. Nhưng không chỉ giỏi, các bạn còn có thêm tố chất liều lĩnh, can đảm tiên phong, sáng tạo, chịu trách nhiệm, giao tiếp tốt, không ngừng học hỏi…", thạc sĩ An chia sẻ thêm.

‘Học ngành kinh tế có người kiếm tiền tỉ nhưng…’ - Ảnh 2.

Các khách mời chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến sáng nay 14.2

THANH HẢI

Không có khả năng phân tích tài chính,  số liệu kinh doanh, có nên học kinh tế?

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói: "Có những yếu tố liên quan đến tiềm năng của ngành học nhưng sẽ có những yếu tố liên quan đến chuyên ngành học mà trường ĐH sẽ đào tạo cho người học". Thạc sĩ Tư phân tích, có những ngành học đòi hỏi những yêu cầu cơ bản ngay từ đầu vào, chẳng hạn làm ca sĩ phải có thanh nhạc tốt và làm diễn viên cần có diễn xuất nên cần phải kiểm tra năng khiếu đầu vào.

Ông Tư nói: "Nhưng có những ngành không kiểm tra khả năng đầu vào như kinh doanh-ngân hàng-luật nhưng nếu thí sinh không có khả năng phân tích tài chính, phân tích số liệu kinh doanh thì có nên học không? Những kiến thức chuyên ngành này khi vào ĐH các bạn sẽ được đào tạo. Nhưng các bạn cần định vị năng lực của bản thân ngay từ đầu khi chọn ngành chính là năng lực của mình ở đâu".

"Có những bạn rất muốn học tài chính ngân hàng mà không giỏi toán, điểm toán chỉ 4-5 thì việc hoàn thành 4 năm ĐH đã là khó khăn vì không có tư duy logic. Không ai dám mạo hiểm giao một doanh nghiệp hoặc thậm chí một công việc kế toán nếu bạn có điểm thấp các môn chuyên ngành, môn tính toán", thạc sĩ Tư phân tích.

Ông Tư lưu ý: "Khi lựa chọn một lĩnh vực, điều quan trọng nhất cần hình dung là hoàn thành 4 năm ĐH là khó nhưng hành nghề trong thời gian còn lại khó gấp bội phần. Đây là điều các bạn cần định vị ngay từ đầu dù chọn bất kỳ ngành nghề nào, lĩnh vực nào".

"Không phải học kinh doanh ra để làm giàu, có người học ngành kinh tế ra trường kiếm tiền tỉ nhưng có người kiếm 5-7 triệu đồng/tháng là khó khăn rồi. Điều tôi muốn các bạn hiểu là, thích nghi để vượt qua là điều cần rèn luyện cho bản thân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó chính là bài học đầu tiên mà các bạn cần vượt qua ngay từ lúc chọn ngành học ĐH", thạc sĩ Tư nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đưa ra lời khuyên về việc chọn ngành: "Bạn nên cân nhắc trả lời câu hỏi mình là ai, đang có nền tảng gì và muốn trở thành ai trong tương lai. Từ những câu hỏi và câu trả lời đó, bạn chọn ngành chắc chắn đúng".

Thạc sĩ Phương cho rằng, việc chọn ngành của nhiều bạn trẻ hiện nay đang dựa vào tên ngành, không theo cảm xúc suy nghĩ của mình mà của người khác như ba mẹ, người yêu, hàng xóm hoặc bất cứ ai… "Ở đây, các bạn thiếu sự bình tĩnh, thiếu cái tôi cá nhân mà đang  nghe theo người khác. Điều này có khi đúng có khi chưa đúng nhưng tôi nghĩ bạn không nên đặt tương lai vào tay người khác", thạc sĩ Phương chia sẻ thêm trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: Khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.