Học ngành tâm lý, có phải ra trường chỉ làm tham vấn?

21/12/2023 08:26 GMT+7

Khó phát triển, hiếm cơ hội việc làm, nhiều lý thuyết là những điều mà mọi người vẫn thường nghĩ về ngành tâm lý.

Ngành tâm lý chỉ là học lý thuyết?

Được thực hành tại lớp theo nhiều cấp độ khác nhau, Thẩm Quyên, sinh viên năm 4, ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết rất hứng thú với những tiết học chuyên ngành. "Chúng tôi được thảo luận nhóm, viết, vẽ, đóng vai trải nghiệm, tự phân tích chính mình", Quyên cho hay.

Còn Cẩm Tú, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ, chương trình đào tạo có học phần kiến tập và thực tập. Trong đó, kiến tập có 2 phần, kiến tập đợt 1 sinh viên được chủ động tìm cơ sở muốn đến, đi cá nhân hoặc theo nhóm. Đợt 2 đi chung theo khóa và được sự đồng hành, dẫn dắt của thầy cô ở một tỉnh ngoài TP.HCM.

Xóa bỏ định kiến ngành tâm lý - Ảnh 1.

Ngành tâm lý đang đẩy mạnh phần thực hành cho sinh viên

FREEPIK

Định hướng phát triển theo mảng tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Tường Vi, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang chuẩn bị hồ sơ để kiến tập tại các cơ sở, trung tâm ở TP.HCM.

Theo Tường Vi, một số người giữ quan niệm ngành tâm lý chỉ học thuần trên sách vở, số khác cho rằng đây là ngành đoán suy nghĩ của người khác hoặc khó tìm việc. Tuy nhiên, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tâm lý ngày nay rất rộng mở bởi tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực đời sống. "Tâm lý học không phải là ngành dễ để theo đuổi, không chỉ học để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mà còn thấu hiểu và khai phá bản thân", Tường Vi cho biết.

Bước chuyển mình trong đào tạo

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết, tâm lý học đang phát triển nhưng cần thừa nhận đây là ngành mới tại Việt Nam và đang có bước chuyển mình tại các trường ĐH đào tạo ngành tâm lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp vào trường học, sinh viên thực hành ngoài xã hội nâng cao kỹ năng.

"Trường cũng có những môn học trang bị kỹ năng cho sinh viên như dự án cá nhân, tư duy phản biện. Mỗi năm nhà trường đều thực hiện khảo sát ý kiến của nhà tuyển dụng. Trên cơ sở dữ liệu đó, nhà trường sẽ thay đổi khung đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng kịp thời. Giảng viên cũng tăng cường thêm chuyên môn, đưa công nghệ kỹ thuật vào giảng dạy", cô Vui chia sẻ.

Cô Vui thông tin, hiện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có 3 chuyên ngành: tâm lý học tham vấn trị liệu, tâm lý học tổ chức nhân sự và tâm lý học tôn giáo. "Đối với chuyên ngành tham vấn trị liệu, sinh viên sẽ đến các phòng tham vấn tâm lý để trải nghiệm và quan sát... Chuyên ngành tâm lý tổ chức nhân sự thì các bạn đến phòng nhân sự của doanh nghiệp, làm những bài nghiên cứu về chính sách, chế độ làm việc, quản lý đào tạo sao cho phù hợp và hiệu quả", thạc sĩ chia sẻ.

Thạc sĩ Vui cũng nhận định, ngành tâm lý đang phát triển tại Việt Nam, yêu cầu tính thực hành nghề nghiệp cao, nhu cầu xã hội dự kiến sẽ tăng mạnh.

Xóa bỏ định kiến ngành tâm lý - Ảnh 2.

Làm việc trong lĩnh vực nhân sự là xu hướng gần đây của sinh viên tâm lý

FREEPIK

Về phía thị trường lao động, bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài, Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet Corporation), cho biết, hiện nay các doanh nghiệp dần đi theo hình thức tuyển dụng dựa trên kỹ năng, lựa chọn ứng viên có những kỹ năng phù hợp với công việc, thay vì chỉ coi trọng bằng cấp, kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn. Ngành nhân sự cũng không nằm ngoài xu thế đó.

"Sinh viên tâm lý có nhiều kỹ năng khá phù hợp cho ngành nhân sự như kỹ năng thấu cảm, giao tiếp, tư duy linh hoạt, xử lý tình huống… Đây là bước đệm rất tốt để các bạn dấn thân vào nghề quản trị con người. Sinh viên tốt nghiệp có thể thử sức ở nhiều "địa hạt" trong ngành nhân sự, có thể bắt đầu ở bộ phận tuyển dụng hoặc gắn kết nhân viên. Đây là các bộ phận sử dụng nhiều kỹ năng giao tiếp, cần sự nhạy bén để "đọc vị" ứng viên, thấu cảm với người lao động, phát huy các kỹ năng và kiến thức mà sinh viên tâm lý đã được trang bị trên ghế nhà trường", bà Ngọc Trân chia sẻ.

Theo bà Ngọc Trân, là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, các trường ĐH nên trang bị thêm cho sinh viên những kỹ năng như sức bền trước biến động, sự nhạy bén, kỹ năng phân tích dữ liệu.

"Nhà trường cũng nên mở rộng hoạt động ngoại khóa, kết nối với doanh nghiệp, xây dựng chương trình thực tập để sinh viên có thể chủ động mài giũa những kỹ năng và tư duy mới trong môi trường thực tiễn. Sinh viên ngày nay rất tự tin, năng động và ham trải nghiệm, tuy nhiên còn thiếu độ kiên nhẫn để tìm hiểu và đầu tư sâu ở một lĩnh vực. Đây cũng là điều các bạn cần cải thiện", bà Trân cho lời khuyên.

Cơ hội việc làm rộng mở

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết số liệu trường khảo sát cho thấy, sinh viên ngành tâm lý ra trường thường làm công việc tham vấn trị liệu và tổ chức nhân sự. Ngoài ra, các trường cũng đang đầu tư cho mảng tâm lý học đường.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện thành phố cần hơn 1.000 nhân sự có chuyên môn về ngành tâm lý mỗi năm.

Xu hướng ngành tâm lý cũng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS) ước tính công việc cho các nhà tư vấn trường học và nghề nghiệp sẽ tăng 8%, các chuyên gia nhân sự dự kiến sẽ tăng 5% đến năm 2028.

Sinh viên ngành tâm lý có thể trở thành chuyên viên trị liệu tâm lý tại các bệnh viện, phòng khám; giảng dạy, nghiên cứu tâm lý trong các trường ĐH, cao đẳng, viện nghiên cứu; chuyên viên quan hệ công chúng, chăm sóc khách hàng; nhà phân tích nghiên cứu thị trường; quảng cáo; marketing…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.