Học nghề có phải chỉ dành cho học sinh yếu?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
31/07/2023 07:35 GMT+7

Mặc dù hằng năm, số lượng thí sinh đạt điểm cao chọn học cao đẳng, trung cấp ngay từ đầu ngày càng tăng, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, học nghề vẫn là lựa chọn sau cùng, hoặc 'chỉ có học yếu mới đi học nghề'.

HỌC SINH KHÁ GIỎI CŨNG CHỌN HỌC NGHỀ

Vài năm trở lại đây, số lượng thí sinh (TS) đạt điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT cao nộp hồ sơ vào trường cao đẳng (CĐ) ngày càng tăng. Trong đó, có những TS dư điểm đậu trường ĐH tốt nhưng lại từ chối đăng ký xét tuyển ĐH để nhập học vào trường CĐ.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết sáng 20.7 là ngày đầu tiên trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp, chỉ sau 2 ngày Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp. Trong buổi sáng đã có 500 TS đến nộp hồ sơ theo kết quả thi tốt nghiệp và hoàn tất thủ tục nhập học theo phương thức xét học bạ.

"Năm học 2022 - 2023, có 977 sinh viên có mức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên, chiếm khoảng 28% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi và 1.700 em có điểm học bạ từ 22 trở lên, chiếm 48,57% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm học bạ", PGS-TS Đức Minh thông tin thêm.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2022, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng khen thưởng cho hàng chục tân sinh viên có mức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 23,25 - 24,45 điểm.

Học nghề có phải chỉ dành cho học sinh yếu? - Ảnh 1.

Cần giúp học sinh chọn học nghề như là một hướng đi phù hợp chứ không phải với định kiến “học yếu mới vào trường nghề”

MỸ QUYÊN

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng cho hay hằng năm tại trường có hàng trăm TS điểm rất cao ở các phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. "Với mức điểm thi 25, 26 các em hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH tốt, nhưng các em đã quyết định học tại trường ngay từ đầu. Điều này cho thấy quan niệm lựa chọn nơi học đang dần thay đổi trong TS và phụ huynh", tiến sĩ Kha nhận định.

Thái Quang Lộc (H.Đồng Phú, Bình Phước) thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được 26,1 điểm, đã từ chối xét tuyển ĐH để đăng ký vào Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và trở thành thủ khoa ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Lộc bày tỏ: "Em quyết định chọn CĐ vì chi phí học tập thấp, bớt gánh nặng tài chính cho ba mẹ, và ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng ngay". Tương tự, còn có Nguyễn Thị Kim Liên (Bình Thuận), thủ khoa năm 2022 của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với mức điểm 25,5. Ngô Trọng Thoại (Sóc Trăng), đạt 29,3 điểm học bạ, là thủ khoa ở phương thức xét học bạ của Trường CĐ Công thương TP.HCM vào năm 2022...

Thạc sĩ Phan Thị Hằng, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc, cũng chia sẻ: "Trường cũng từng tiếp nhận một em là một trong 10 thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh vào học".

"BẠN LÀM ĐƯỢC GÌ ?" CHỨ KHÔNG PHẢI "BẠN CÓ BẰNG GÌ ?"

Tiến sĩ Lê Đình Kha nêu ra những lợi thế của học nghề mà nếu TS và phụ huynh nắm rõ, sẽ thay đổi nhận thức và tâm lý. Thứ nhất là thời gian học nghề ngắn, với người tốt nghiệp THPT chỉ mất 2 - 3 năm để lấy bằng CĐ và 1,5 - 2 năm để có bằng trung cấp, còn với người tốt nghiệp THCS chỉ mất 3,5 - 4 năm để có bằng trung cấp và 4 - 4,5 năm để có bằng CĐ. Thứ hai, nhanh chóng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp do chương trình được thiết kế với thời gian thực hành từ 55-70%.

"Đặc biệt các trường CĐ, trung cấp đã khẳng định được chất lượng đào tạo thì doanh nghiệp đến trường đặt hàng ngay từ năm nhất. Đây chính là yếu tố quyết định và tạo niềm tin cho người học", tiến sĩ Kha chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh tiếp tục nhấn mạnh yếu tố "dễ có việc làm" là một trong những nguyên nhân khiến học nghề được lựa chọn ngày càng nhiều: Thời gian gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp của trường về xin bảng điểm và giấy xác nhận để học liên thông ĐH ngày càng ít. Điều đó cho thấy học xong CĐ là các em có việc làm ngay nên các em cũng không cần phải liên thông theo suy nghĩ "có bằng ĐH kiếm việc cho dễ" như trước đây. Doanh nghiệp đã thay đổi cách tuyển dụng, họ tư duy "bạn làm được gì?" chứ không phải "bạn có bằng gì?"".

Ông Minh lý giải thêm học phí thấp cũng là một "lợi thế" trong tuyển sinh học nghề. "Rất nhiều trường ĐH công lập chuyển sang tự chủ với mức học phí tăng vọt, trong khi trường CĐ thì chưa bắt buộc tự chủ tài chính nên học phí rất ổn định và không cao. Chất lượng tốt, học phí không cao, ra trường có việc làm ngay thì tự động TS sẽ lựa chọn", PGS-TS Minh nhận định.

Học nghề có phải chỉ dành cho học sinh yếu? - Ảnh 2.

Nguồn: Khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp

Đồ họa: Đạt Nguyễn

CẦN CÓ NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết năm 2022 hệ thống các trường CĐ, trung cấp trên toàn quốc tuyển được gần 400.000 học sinh, sinh viên, đạt 74,51% kế hoạch.

Để tạo sự hấp dẫn cho giáo dục nghề nghiệp và người học lựa chọn học nghề ngay từ đầu chứ không phải "học yếu mới đi học nghề", "trượt ĐH mới học CĐ, trung cấp", về mặt chính sách, ông Phạm Vũ Quốc Bình và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chính sách tín dụng đầu tư đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính sách ưu đãi vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. 

Thay đổi nhận thức thông qua chất lượng đào tạo

Thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng nhận thức không vào được ĐH mới vào học các trường trung cấp, CĐ vẫn còn khá phổ biến trong tư tưởng của các TS, phụ huynh hiện nay.

"Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ... Để TS đăng ký vào học như là một lựa chọn ưu tiên hàng đầu thì trước hết cần thay đổi nhận thức của TS, phụ huynh, thông qua chất lượng đào tạo. Công tác truyền thông, hướng nghiệp giúp TS có nhiều thông tin hơn trong chọn trường, chọn nghề cũng như công tác phân luồng sau THPT rất quan trọng. Hiểu đúng thì mới lựa chọn một cách tự nguyện", thạc sĩ Quang Tuấn nêu.

Ông Trương Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh, thì cho rằng hướng nghiệp cho học sinh không phải là khuyên các em nên chọn học ĐH, CĐ hay trung cấp, mà mà cung cấp đầy đủ thông tin về từng bậc học, ngành học cho các em lựa chọn. "Giúp các em hiểu không phải cứ bậc cao hơn thì tốt hơn và thành công hơn, mà thành công phải là một lựa chọn phù hợp nhất với sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình và mục tiêu của mỗi người. Sự phù hợp mới là quan trọng chứ không phải bằng cấp là quan trọng", ông Tâm nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.