GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một trong những người có nhiều nghiên cứu về tự chủ và tài chính ĐH, cho biết còn có nhiều chuyện cần bàn tới khi cho phép thí điểm đổi mới tự chủ tài chính ở 4 trường ĐH.
|
Tự chủ ĐH không chỉ là tài chính
Ông đánh giá như thế nào trước thông tin 4 trường ĐH (Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân và Kinh tế TP.HCM) được Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới tự chủ tài chính?
Có một số vấn đề cần đặt ra trước quyết định này. Trước hết, tại sao lại thí điểm cho 4 trường này mà không phải là các trường khác? Trường thí điểm là những trường đào tạo về kinh tế, lớp học có thể có nhiều sinh viên (SV), không cần phòng thí nghiệm… nên thường có chi phí đào tạo thấp. Vì vậy, họ tự nguyện không nhận vài ba chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để có quyền tự chủ, đặc biệt về tài chính, trong đó có việc tăng học phí. Các trường ĐH thuộc về kỹ thuật, y… có chi phí đào tạo cao, có trường nào “tự nguyện” để thí điểm đâu dù họ cũng rất muốn có tự chủ. Thí điểm mà chọn “đặc biệt” thì những kinh nghiệm của thí điểm không thể áp dụng cho hệ thống được.
Sau nữa, tự chủ ĐH không chỉ là vấn đề tài chính, càng không chỉ là vấn đề không nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tự chủ ĐH gồm đến 7 nội dung lớn: nghiên cứu và công bố, nhân sự, chương trình và giảng dạy, chuẩn mực học thuật, sinh viên, quản trị trường, hành chính và tài chính.
Tự chủ càng cao thì trường ĐH phải được quản trị bởi một hội đồng trường đúng nghĩa. Do vậy, người ta nói vấn đề tự chủ ĐH và quản trị ĐH là hai mặt có tính “đánh đổi” với nhau. Hội đồng trường đúng nghĩa là một hội đồng gồm đại diện của những nhóm lợi ích có liên quan, các chính khánh, các học giả, các nhà văn hóa nổi tiếng. Nhìn chung, ở hội đồng trường, số lượng thành viên bên ngoài trường phải nhiều hơn thành viên bên trong trường.
|
Như vậy hội đồng trường là điều kiện cần có để tự chủ ĐH?
Đúng vậy. Mục đích cuối cùng vẫn là vấn đề hiệu quả và chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH. Nhìn ở góc độ chất lượng, tôi cho rằng với mức chi phí bình quân cho một SV/năm (gọi là chi phí đơn vị) hiện nay ở VN quá thấp, có lẽ chỉ khoảng 500 USD/năm, bằng khoảng 40% mức chi phí cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do vậy, khi một số trường không nhận NSNN để có quyền tăng mức học phí lên một ít có lẽ không giải quyết được vấn đề, mà phải giải quyết các bài toán “cung cấp tài chính cho giáo dục ĐH”, trong đó buộc phải có vấn đề tăng học phí ở cả ĐH công lập và tư thục lên nhiều lần.
Chuyển sự chi trả của SV từ hiện tại sang tương lai
Khi tăng học phí lên nhiều lần, SV sẽ gặp khó. Để giải quyết vấn đề này, quỹ tín dụng SV có bắt buộc phải thay đổi?
Đó là điều đương nhiên. Hiện nay VN đã có quỹ cho SV vay vốn nhưng quy mô còn nhỏ và còn nhiều bất cập. Chúng ta cho vay chủ yếu là các đối tượng nghèo và cận nghèo. Nhưng học phí tăng thì phải mở rộng cho đa số đối tượng SV được vay vốn. Muốn vậy, quỹ này phải rất lớn, có nhiều loại và phải có chính sách cho vay dài hạn.
Mức cho vay hiện tại khoảng 1,1 triệu đồng/SV/tháng là quá ít và không đủ cho SV ăn, ở. Cần phải tăng mức này lên và có nhiều mức vay khác nhau cho nhiều đối tượng SV khác nhau. Ngoài ra, việc cho SV vay và thu hồi vốn vay hiện nay cũng chưa hợp lý.
Cụ thể là bất hợp lý ở đâu, thưa ông?
Chương trình cho SV vay vốn trên thế giới đã có ở hơn 50 nước và xét về mặt mục tiêu, có thể phân thành 5 nhóm: Nhằm tạo nguồn thu nhập cho các ĐH công lập thông qua việc tăng học phí để có thể đảm bảo chi phí đơn vị cần thiết; Nhằm tạo điều kiện mở rộng quy mô nền giáo dục ĐH; Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho người nghèo, giảm bớt mất công bằng xã hội; Đáp ứng nhu cầu nhân lực nằm trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia; Giảm bớt gánh nặng tài chính cho tất cả các nhóm SV và tăng cường trách nhiệm cho chính SV (chứ không phải là gia đình họ).
Trước đây chương trình cho SV vay vốn ở các nước đều có mức trả nợ cố định như tại VN hiện nay. Nhưng trong khoảng vài mươi năm trở lại đây, ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Thụy Điển, Nam Mỹ, Úc, Thái Lan… đã nghiên cứu và đã thiết kế một loại chương trình cho SV vay vốn mới với mức trả nợ không cố định mà biến đổi tùy thuộc vào thu nhập của người vay (Income Contingent Loans), vay chẳng những để trả học phí mà còn cả chi phí ăn ở. Phần lớn SV được vay vốn với mức lãi suất tương đối thấp. Sau khi ra trường, nếu người đó chưa xin được việc làm hoặc lương còn thấp hơn một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. Khi lương cao hơn ngưỡng đó thì trích một phần, ví dụ 10 - 20% của phần cao hơn, để trả dần, có thể kéo dài đến 10 - 20 năm. Nếu sau thời gian đó mà chưa trả xong hoặc bị tai nạn không làm việc được nữa thì được xóa nợ. Như vậy, bản chất của chính sách này là chuyển sự chi trả của SV từ hiện tại sang tương lai và được nhà nước gánh chịu toàn bộ rủi ro cho họ. Tuy vậy, SV chỉ được trợ cấp một phần nhỏ qua lãi suất tương đối thấp và do vậy chỉ ảnh hưởng rất ít đến ngân sách nhà nước.
Với các nước còn kém phát triển như nước ta, việc xây dựng một hệ thống kiểm soát và thẩm tra tài sản để cấp học bổng và thu hồi vốn cho SV vay luôn là một vấn đề hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm. Nhiều nước cũng như chúng ta nhưng họ đã làm được. Vì vậy, cần phải tham khảo kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng thành công chính sách này, sau đó thiết kế lại quỹ vay cho SV một cách công phu.
Tăng học bổng, thêm chương trình cho vay Ông Trương Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết nếu học phí tăng trường sẽ tăng học bổng. Tuy nhiên theo thống kê của trường, gần 400 SV được nhận học bổng năm 2013 so với quy mô hơn 10.000 SV toàn trường thì không phải nhiều. Với những SV không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trường cho vay không lãi suất từ quỹ danh dự của trường. Tuy nhiên, mức vay tối đa chỉ 5 triệu đồng/năm và trong thời gian 12 tháng. Với mức học phí khá cao (18 - 23 triệu đồng/học kỳ tùy ngành), Trường ĐH FPT có chương trình cho vay tối đa lên tới 75% học phí toàn khóa học. Thời gian vay tối đa 10 năm kể từ ngày vay, với lãi suất bằng với lãi suất tiền gửi thời hạn 12 tháng và SV trả dần trong 5 năm sau khi tốt nghiệp đi làm. Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH này, cho rằng: “Cho vay sinh viên là chính sách tốt nhằm giúp bình đẳng xã hội về cơ hội học tập. Tuy nhiên, việc triển khai ở một trường ĐH riêng lẻ chưa đem lại giá trị mang tính lan tỏa. Nếu các ngân hàng có thể thực hiện được việc này ở nhiều trường sẽ tốt hơn rất nhiều”. Hà Ánh - Mỹ Quyên |
Đăng Nguyên
(thực hiện)
Bình luận (0)