Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT tại nhiều địa phương đã cho sản xuất và phát sóng các chương trình học qua truyền hình với khung giờ phát sóng cố định, tạo điều kiện thuận tiện cho việc học tại nhà. Đối với nhiều bậc phụ huynh và HS, đây có thể là một thuận lợi, nhưng cũng là một khó khăn khi tiếp cận với hình thức học tập còn mới lạ này.
"Quá nhanh không thể chép kịp"
Theo cô Phan Thị Tài, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), có con đang theo học lớp 3 tại một trường tiểu học, thời gian phát sóng như hiện tại đã hợp lý với nếp sinh hoạt của gia đình. Buổi sáng, chương trình được chiếu từ 7 giờ đến 11 giờ. Vào buổi chiều, thời gian phát sóng từ 13 giờ 30' đến 17 giờ. Khung giờ này hoàn toàn phù hợp giờ đi học của HS trước kia. Chỉ cần phát trong khung giờ hành chính, không phát sóng vào giờ ăn trưa, ăn tối và giờ ngủ thì việc học vẫn ổn. Ở nhà, cô Tài nhắc nhở lịch trong tuần để con theo dõi và học.
Theo quan điểm của cô Tài cùng nhiều phụ huynh khác, việc học qua truyền hình hay học online hiện nay vẫn là hình thức học để "chữa cháy", chưa thể thay thế được hoàn toàn việc học trên lớp. Nhưng trong thời gian này thì đây là phương án tốt nhất. Hạn chế lớn nhất của việc học trên truyền hình hiện nay là HS chỉ nghe giáo viên nói nên thỉnh thoảng màn hình chiếu quá nhanh, HS chỉ kịp nhìn thoáng qua, chưa kịp chép lại.
|
“Vì lý do này, mình thường xuyên phải chụp màn hình để con chép lại sau. Chủ yếu là nghe bài học để hiểu bài. Nhưng muốn nhớ bài học thì buộc phải xem lại chương trình để chép bài, trong khi kiến thức mới nhanh quá thì không chép được. Trò vẫn im lặng nghe cô nói từ một phía chứ không có sự tương tác như trên lớp. Nhưng bù lại, học qua truyền hình cũng có sự tiện lợi là nếu quên thì có thể xem lại trên kênh YouTube của đài”, cô Tài chia sẻ cách đồng hành cùng con trong việc học qua truyền hình.
Phụ huynh không được lơ là
Việc học qua truyền hình yêu cầu các bậc phụ huynh phải quản lý thời gian học của con mình sao cho phù hợp. Đồng thời, cha mẹ phải nhắc nhở, quan tâm đến việc học của con trong thời gian nghỉ không được lơ là.
Để quản lý thời gian học của con, theo cô Tài, phải nhắc các con học và làm bài theo đúng lịch phát sóng. Đối với những HS tự giác thì dễ dàng hơn, phụ huynh có thể làm việc khác, sau đó quay lại kiểm tra. Còn đối với những HS không tự giác, thiếu ý thức thì phụ huynh phải ngồi kế bên, tương tự như trên trường có giáo viên ngồi trên bàn quan sát học trò làm bài ở bên dưới. Sau khi HS làm bài xong thì phụ huynh kiểm tra lại những lỗi sai, hướng dẫn con làm lại để nhớ bài học.
|
“Một ngày, vào buổi sáng, tôi sẽ phân ra cho bé ở nhà học toán, cho làm 1 bài toán sau đó cho nghỉ giải lao 5-10 phút, trong thời gian nghỉ giải lao tôi sẽ kiểm tra bài. Nếu làm tốt, con sẽ được vui chơi, còn chưa tốt thì tôi sẽ hướng dẫn con làm lại cho nhớ. Buổi chiều học tiếng Việt thì tôi cho bé đọc bài, viết chính tả và làm văn. Lúc đó, tôi phải ngồi cạnh để đọc cho con chép, sau đó đọc cho tôi nghe. Tối học tiếng Anh online thông qua phần mềm. Quan trọng là để con nhớ kiến thức, đừng quên bài vở trong lúc nghỉ học kéo dài. Nếu để con chơi nhiều thì sẽ dễ quên kiến thức”, Cô Tài bày tỏ.
Cô Tài chia sẻ thêm, ngoài việc học qua truyền hình, hằng tuần giáo viên đều gửi bài tập cho HS làm, phụ huynh có trách nhiệm kiểm tra lại. Có trường yêu cầu phụ huynh gửi kết quả bài tập cho giáo viên để họ dò lại, có trường thì sẽ ủy thác hoàn toàn cho phụ huynh kiểm tra. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nhắc nhở các phụ huynh hỗ trợ các con hằng tuần. Nhà trường và phụ huynh đều phối hợp với nhau, không lơ là, sợ các con quên kiến thức.
|
“Trong phương thức học qua truyền hình, phụ huynh giữ vai trò 50-50 đối với giáo viên. Giáo viên có nhiệm vụ giao bài tập, còn phụ huynh sẽ nhắc nhở các con của mình làm và kiểm tra. Trước kia, giáo viên ra đề, kiểm tra, đánh giá và nhắc nhở HS của mình. Nhưng hiện tại thì phụ huynh phải hỗ trợ vì giáo viên không gặp được HS. Nếu phụ huynh lơ là thì các con sẽ vui chơi không tập trung cho việc học...”, cô Tài nhận định.
Bình luận (0)