Phụ huynh biết quy định nhưng vẫn giao xe phân khối lớn cho con sử dụng
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết hiện nay tồn tại một thực tế học sinh THPT chưa đủ tuổi sử dụng xe phân khối lớn nhưng vẫn dùng phương tiện này đến trường. Đây là vấn đề khiến các trường "đau đầu" vì nhà trường không nhận giữ thì học sinh gửi ở các bãi xe ngoài nhà trường.
Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân trăn trở về sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Ông Phú cho biết tuy luật đã có quy định cụ thể về tuổi sử dụng phương tiện tham gia giao thông, phụ huynh cũng đã biết nhưng vẫn giao phương tiện cho con em khi chưa được phép của pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thanh Phú còn đặt vấn đề công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và công an phải chăng chưa nghiêm, chưa đến nơi, đến chốn nên chưa xử lý dứt điểm được việc học sinh sử dụng phương tiện di chuyển sai quy định?
Chính vì vậy, ông Phú đề xuất cần phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa trong tuyên truyền và giáo dục về việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông.
Chẳng hạn, địa phương cần tuyên truyền đến các hộ gia đình; trong các cơ quan, công ty, xí nghiệp cũng cần thông tin để người lao động là phụ huynh học sinh nắm bắt.
Trường học thường xuyên giáo dục, nhắc nhở và lồng ghép vào các hoạt động để học sinh nâng cao ý thức về an toàn giao thông, tham gia giao thông đúng luật, quy định.
Ông Phú nhấn mạnh có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ này sẽ giáo dục học sinh về an toàn giao thông, giúp các em bảo vệ bản thân, gia đình.
Sở GD-ĐT đưa ra các hình thức tăng cường ý thức về an toàn giao thông
Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, ngay từ đầu tháng 9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai các nội dung cần thực hiện đến các trường học từ mầm non cho đến THPT, trung tâm GDTX…
Theo đó, các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát việc tổ chức ký kết liên tịch với địa phương theo quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Công an TP tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.
Các cơ giáo dục xây dựng phương án cấm các phương tiện xe cơ giới lưu thông, dừng đỗ trong khu vực trường học khi có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học. Tăng cường trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong việc quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đúng quy định, an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong trường học. Xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm lưu thông, dừng đỗ xe sai quy định trong khuôn viên trường học.
Tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên đi học bằng phương tiện công cộng, xe đưa đón của nhà trường tổ chức hoặc xe buýt có trợ giá cho học sinh, sinh viên của thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tổ chức tập huấn và hướng dẫn quy trình tổ chức đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh bằng ô tô cho giáo viên và học sinh tại đơn vị.
Các cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm quy định: học sinh không tụ tập đua xe trái pháp luật; không sử dụng phương tiện mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; không đi xe hàng ba, bốn, làm cản trở giao thông.
Cũng trong quá trình triển khai các nội dung về tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh các trường tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, cha, mẹ, người giám hộ giáo dục, nhắc nhở con em mình tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, phối hợp với địa phương triển khai các phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trường học.
Bình luận (0)