Học sinh có quyền ý kiến khác với thầy

02/01/2017 05:08 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, dạy người, dạy chữ, dạy nghề... nên mô hình trường học toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu thực học, thực nghiệp.

Trường học toàn diện có 4 đặc trưng chính là phát triển toàn diện con người, cá nhân hóa, ứng dụng hóa và dân chủ hóa giáo dục.
Học đạo đức qua tất cả các môn học
Phát triển toàn diện học sinh (HS) là nhà trường tạo điều kiện, hỗ trợ, giáo dục, rèn luyện HS phát triển hài hòa, quân bình cả 7 yếu tố: đức, trí, thể, mỹ, tình cảm, xã hội và nghề nghiệp. Đức dục được xem là cái gốc của con người, vì vậy, phát triển đạo đức HS không chỉ giới hạn ở các môn đạo đức hay giáo dục công dân mà có ở tất cả các môn học khác. Đồng thời học đạo đức không chỉ dừng ở lý thuyết suông mà phải được thực hành trong hoạt động hằng ngày của HS.
Về trí dục, HS tiếp thu, lĩnh hội kiến thức không còn thụ động mà được chủ động bằng việc tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập. Nhà trường phải tạo nhiều điều kiện, tình huống để HS vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã lĩnh hội vào giải quyết các vấn đề học tập và cuộc sống hằng ngày.
HS không chỉ rèn luyện cho thân thể khỏe mạnh, cường tráng mà còn ham thích hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt các câu lạc bộ. HS không chỉ học nghệ thuật ở các môn âm nhạc, mỹ thuật mà còn học thẩm mỹ ở các môn học khác.

Học là để sử dụng được kiến thức
Trường học toàn diện phải chú trọng đến sự hữu ích của kiến thức, giảm tính chất từ chương và lý thuyết trong chương trình. Chương trình phải tăng cường thực hành, thí nghiệm và hoạt động trải nghiệm nhằm tạo điều kiện cho HS vận dụng kiến thức từng môn hay liên môn để giải quyết vấn đề học tập cũng như các vấn đề của cuộc sống hằng ngày.
Ứng dụng hóa giáo dục còn được thể hiện qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để HS có cơ hội thực hành những vấn đề đã học vào cuộc sống, giao tiếp với mọi người, học hỏi và giúp đỡ mọi người.
Nhà trường phải tạo tình huống, điều kiện để phát hiện sự khác biệt nơi HS, tìm cách đáp ứng sự khác biệt đó, phát huy cao nhất khả năng và sở thích của mỗi HS. Nhà trường cần có các hoạt động tư vấn về tâm lý, tình cảm và hướng nghiệp cho HS, giúp các em biết được sự khác biệt, khả năng của mình.

Học theo sở thích và năng lực
Nhà trường phải thể hiện sự dân chủ trong giáo dục bằng cách đảm bảo cho HS có quyền xây dựng kế hoạch học tập, đăng ký các môn học tự chọn phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Nếu năm học này nhà trường chưa đáp ứng được môn học hay chủ đề mà một nhóm HS đăng ký thì phải phấn đấu đáp ứng vào những năm sau hoặc gửi nhóm HS này qua học ở một cơ sở giáo dục khác có đủ điều kiện. HS cũng phải được tham gia tích cực và nhiều hơn vào quá trình học tập của mình, người thầy sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn hơn là người dạy. Ngoài ra, HS cũng phải được tham gia vào quá trình tổ chức các hoạt động của nhà trường cũng như các đoàn thể… Cao nhất là HS có quyền phát biểu ý kiến phản biện của mình khác với ý thầy nhưng cần được tôn trọng, không bị trù dập, khiển trách.

Trường học chính là cuộc sống
Trường học toàn diện (Comprehensive School) xuất phát mô hình từ trường học toàn diện của Mỹ theo tư tưởng của John Dewey, nhà cải cách giáo dục Mỹ:  “Trường học không phải là nơi chuẩn bị cho cuộc sống mà chính là cuộc sống”. Do đó, trường học không chỉ là nơi dạy và học mà còn gắn với cuộc sống và các hoạt động trải nghiệm. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện mô hình trường học toàn diện với nhiều tên gọi khác như trường trung học tổng hợp (Anh), trường trung học kết hợp (Nhật Bản). Những trường này vừa dạy các môn khoa học cho những HS định hướng lên đại học, cao đẳng và giảng dạy các môn liên quan đến nghề nghiệp như kinh doanh, kinh tế gia đình, trồng trọt, công kỹ nghệ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.