Sự việc diễn ra vào khoảng thời gian 18 giờ 35 ngày 2.3 tại Trường THCS Minh Đức (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1). Đại diện Trường THCS Minh Đức cũng đã xác nhận nữ sinh lớp 6 này do buồn chuyện gia đình nên nảy sinh ý định dại dột, đã treo mình lơ lửng trên thành tường lan can ở tầng cao nhất của trường. Rất may mắn khi có một người dân và bảo vệ phát hiện và kịp thời đưa nữ sinh vào trong hành lang an toàn.
Cần trợ giúp của người lớn
Những sự việc học sinh có suy nghĩ và hành vi tiêu cực trong suốt thời gian qua không phải là hiếm. Gần đây nhất, cuối tháng 11.2020, một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương, tỉnh An Giang vào nhà vệ sinh tự tử sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh do bị trường nhắc nhở dưới cờ. Giữa tháng 12.2020 một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP.Vũng Tàu đang trong giờ học bất ngờ đi ra lan can lầu 2 nhảy xuống đất bị bị gãy xương chậu, dập gan… Tất cả đều khiến giáo viên, phụ huynh và bạn bè bàng hoàng, lo lắng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh THCS, THPT có nhiều thay đổi, cái tôi rất lớn, luôn cần sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia. Chỉ cần một câu nói hay một hành động không phù hợp đã có thể tác động tới tâm lý, gây tổn thương và đôi khi dẫn đến hành vi bộc phát dại dột. Các em rất cần được sự trợ giúp của người lớn, trong đó quan trọng nhất vẫn là cha mẹ, sau đó là thầy cô”.
Theo tiến sĩ Phan, cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe, tôn trọng con chứ không nên áp đặt, coi thường theo quan niệm “trẻ con thì biết gì”. Bên cạnh đó, trường học là nơi học sinh gắn bó trong khoảng thời gian tương đương với ở nhà, nên giáo viên và môi trường học tập cũng rất quan trọng. “Theo thông tư 31 của Bộ GD-ĐT thì trong các trường phổ thông phải có tổ tư vấn tâm lý, nhưng nhiều nơi chưa làm được vì nhiều lý do. Nếu giáo viên và đặc biệt là tổ tư vấn tâm lý quan tâm, sâu sát, chia sẻ, tư vấn, giải đáp được cho các em những khúc mắc về tâm lý thì sẽ giảm được rất nhiều những suy nghĩ và hành vi tiêu cực”, tiến sĩ Phan nhận định.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THCS Hiệp Phước, (tỉnh Đồng Nai) cho rằng ở trường thì giáo viên chủ nhiệm vẫn có vai trò quan trọng bậc nhất. “Thầy cô chủ nhiệm phải luôn gần gũi với học sinh, quan sát những thay đổi tâm lý thông qua giao tiếp hằng ngày. Ví dụ một học sinh bình thường vui vẻ, thường xuyên nói cười nhưng một ngày thấy lầm lì, ít nói, thì giáo viên phải lập tức hỏi han, khéo léo gợi mở để học sinh mở lòng. Thường tuổi này các em rất dễ xấu hổ, nên giáo viên phải tạo niềm tin để các em tin tưởng, đảm bảo giữ bí mật cho các em. Trong trường hợp học sinh vẫn e ngại thì có thể tìm hiểu qua nhóm bạn thân”.
Ngoài ra, cô Hạnh cho rằng cần thường xuyên phối hợp trao đổi với phụ huynh để nắm bắt thông tin, kịp thời giải tỏa những khúc mắc, bế tắc cho học sinh.
Xây dựng mạng lưới thông tin ở trường, lớp
Ông Nguyễn Duy Tâm, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cho rằng các trường cần xây dựng mạng lưới thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp, thậm chí tới từng tổ, nhóm đề khi cần là kịp thời thông tin tới ban tư vấn của trường. “Ở tuổi này các em dễ bị stress bởi các mối quan hệ bạn bè, tình cảm, hoàn cảnh gia đình, việc học căng thẳng hoặc có cả trường hợp mối quan hệ với thầy cô không tốt… Ở đây mấu chốt vẫn là vấn đề tâm lý, vì thế ở nhà thì phụ huynh không nên thờ ơ với con em mình. Ở trường thì thầy cô, bạn bè phải có sự thấu hiểu, sâu sát và hỗ trợ”, ông Tâm nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Tâm, mỗi trường nên thành lập một “đội giải cứu”, có thể nằm trong ban phòng cháy chữa cháy hoặc một bộ phận nào thường xuyên có mặt tại trường. Đội này sẽ được trang bị kiến thức tâm lý, được tập huấn để có thể xử lý tình huống, chẳng hạn phát hiện học sinh đang leo lên tầng cao có ý định dại dột thì phải nói gì, hành động ra sao…
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, cho biết trường yêu cầu giáo viên tạo mạng lưới thông tin trong lớp để học sinh bám sát nhau, thấy bất cứ vấn đề gì là báo lại cho giáo viên chủ nhiệm.
“Giáo viên phải hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em. Thường những em có ba mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, hoặc ba mẹ mải làm ăn bỏ bê không quan tâm… thì dễ có vấn đề về tâm lý. Không chỉ vậy, chúng tôi cũng lưu ý giáo viên không nên có lời nói hoặc hành động làm tổn thương học sinh. Ngay từ đầu năm học, tôi trực tiếp có buổi sinh hoạt với phụ huynh lớp 10 của toàn trường để cùng thống nhất quan điểm về việc ứng xử với các con, làm sao để nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp tốt nhất, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những suy nghĩ và hành vi tiêu cực của học sinh”, ông Hải cho biết.
Bình luận (0)