|
Để chơi nhiều hơn học
Một cuộc khảo sát trong nhiều lớp học của học sinh (HS) bậc THPT cho thấy có đến hơn 80% số lượng HS sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Khi tìm hiểu lý do thì đại đa số cho rằng để tiện việc liên hệ với cha mẹ, anh chị và bạn bè trong lớp. Một số HS cũng cho rằng để trao đổi thông tin, bài học với giáo viên ở trường... Như thế, theo kết quả khảo sát, việc sử dụng ĐTDĐ mang mục đích tốt, chính đáng.
Nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Đa số HS sử dụng để nghe nhạc, “chat”, lên “Face”, chơi “game”, đọc những tin sốc, tò mò những cảnh nóng. Một số sử dụng vì đua đòi, để “lấy le” với chúng bạn. Một số sử dụng để chụp, lưu bài học và khi kiểm tra thì được xem như một tài liệu quay cóp... Có thể nói khó mà thống kê hết những mục đích sử dụng khác nhau. Chỉ biết rằng khá ít HS sử dụng ĐTDĐ để truy cập bài học, đọc báo chí giáo dục lành mạnh.
Hàng ngàn phiền toái
Một số bộ phận HS khi đến lớp có thể quên tập, quên sách, quên dụng cụ học tập... nhưng ĐTDĐ thì được xem như “vật bất ly thân”.
Thời gian sử dụng ĐTDĐ của HS là quá nhiều. Bậc thầy truyện ngắn Nga Sê-khốp có câu chuyện Người trong bao, viết về nhân vật Bê-li-cốp với cái chết đầy bi hài của lối sống quá khép kín, quá lệ thuộc vào điều khác mà đánh mất mình. Bài học liên hệ của tác phẩm này với lối sống “trong bao” của giới trẻ ngày nay về ĐTDĐ là còn nguyên giá trị. Lạm dụng sẽ trở nên nghiện. Hậu quả lâu dài là HS đến trường thì ít tập trung về việc học; về nhà thì sống thu mình, không có tâm trí để chia sẻ tình cảm với gia đình, người thân, trở nên sống ích kỷ, trầm cảm...
Đã có nhiều sự việc phiền toái xảy ra ở trong nhà trường. Mới đây nhất là vụ việc tại một trường THPT ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Vì quá chiều con nên bà mẹ cho con đem theo chiếc iPhone 6 vừa mới ra lò đến lớp. Đứa con vừa mới hí hửng khoe với chúng bạn đầu buổi thì đến giờ chơi thứ hai chiếc điện thoại đã không cánh mà bay. Phụ huynh đâm đơn kiện nhà trường rằng quản lý lỏng lẻo để xảy ra mất mát. Có trường hợp “nghiệt” hơn, khi HS sử dụng trong giờ học, bị giáo viên tịch thu bỏ vào cặp, chưa kịp xử lý đã bị HS lén lấy lại, sau đó gọi mẹ vào buộc giáo viên phải đền.
Chính những chiếc điện thoại đã làm đổ vỡ quan hệ bạn bè, làm rạn nứt tình cảm thiêng liêng với thầy cô. Đã có câu chuyện làm cho nhiều giáo viên phải thật sự cảnh giác. Là một HS lớp 9, nhưng nữ sinh T.T.L tỏ ra sớm hư hỏng, thường xuyên bỏ học lêu lổng với chúng bạn. Mỗi lần nghỉ học đều có xin phép đầy đủ. Thấy lực học đi xuống, cùng với số ngày nghỉ nhiều nên trong cuộc họp với cha mẹ khi sơ kết học kỳ, giáo viên chủ nhiệm trao đổi việc này với cha của L. Lúc này mới phát hiện ra sự thật là phụ huynh đều có chở L. đi học đầy đủ, không vắng ngày nào. Nhưng khi đến cổng trường thì L. không vào lớp và dùng ĐTDĐ của mình để nhờ một người ngoài cổng gọi điện vào xin phép!...
Trách nhiệm của ai ?
Quy định rõ ràng dễ thấy nhất của Bộ GD-ĐT về việc sử dụng ĐTDĐ là ở các kỳ thi quan trọng. Trong khi đó nhiều trường phổ thông không cấm HS mang ĐTDĐ vào trường, chỉ có quy định không được sử dụng trong giờ học. Đây là chỗ hở cho thấy chưa thật triệt để, sát sao của trường học với vấn đề này. Chẳng hạn nhiều nội quy ghi là cấm mang tiền bạc, tư trang... có giá trị lớn đến lớp. Nhưng nhiều chiếc điện thoại giá của nó hơn cả chục triệu thì sao? Nhà trường cũng chưa thật sự có một quy định rõ ràng HS cấp nào thì được đem đến lớp những công nghệ gì, phục vụ cho việc gì?... Và ở khâu xử lý cũng còn chủ quan. Chính vì thế vòng luẩn quẩn của những phiền toái về việc sử dụng ĐTDĐ trong HS sẽ còn tiếp diễn.
Trong lúc chờ đợi có một quy định chung, một sự vào cuộc chung, thì trước hết người có trách nhiệm nhiều nhất ở đây chính là cha mẹ HS. Phải thấy rằng đây là vấn đề của một con dao hai lưỡi. Nếu không sớm can thiệp kịp thời thì sẽ còn nhiều lắm những trẻ đứt tay!
Trần Ngọc Tuấn
>> Cấm thiếu nữ dùng ĐTDĐ
>> Dùng ĐTDĐ quay clip tiếp viên mặc bikini: Có vi phạm an toàn bay?
>> Cuộc thi tạo việc làm thông qua việc sử dụng ĐTDĐ
>> Bói toán, tử vi… dụ dỗ người dùng ĐTDĐ
Bình luận (0)