Học sinh Hà Nội tiêm xong 2 mũi vắc xin vẫn tiếp tục... ở nhà

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/01/2022 19:27 GMT+7

Đến thời điểm này, phần lớn học sinh từ 12 - 17 tuổi ở Hà Nội đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng số trường học mở cửa đón học sinh thì lại giảm dần.

Thời gian này, hầu hết học sinh tại Hà Nội đã kết thúc học kỳ 1 bằng việc kiểm tra trực tuyến, đánh dấu trọn vẹn cả một học kỳ không được đến trường và sang học kỳ 2 rồi nhưng cũng chưa biết bao giờ được trở lại trường.

Học sinh từ 11 - 17 tuổi ở Hà Nội đã được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19

đậu tiến đạt

Thời điểm học sinh chưa được tiêm vắc xin, phụ huynh đồng loạt phản ứng việc mở cửa trường và coi đây là lý do chính, lãnh đạo thành phố và ngành GD-ĐT cũng quyết định tiếp tục cho học sinh học trực tuyến cho đến khi các em được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.

Nhưng đến thời điểm này, khi mà học sinh cấp THCS và THPT đã được tiêm 2 mũi vắc xin thì Hà Nội vẫn chưa có động thái nào về việc mở cửa trường.

Ngày 12.1: Công bố 28.291 ca Covid-19, 38.943 ca khỏi | Hà Nội 2.948 ca | TP.HCM 696 ca

Chị Lê Đăng Ngọc, có con học lớp 11 Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chia sẻ: “Sau khi con được tiêm vắc xin mũi đầu tiên tôi đã rất mừng nghĩ rằng cháu sắp được tới tới trường. Thế nhưng, đến thời điểm này cháu đã tiêm đủ 2 mũi thì vẫn chưa thấy dấu hiệu gì cho việc mở cửa trường. Việc học không hiệu quả đã đành, lứa tuổi đang phát triển về thể chất và kỹ năng mà gần 1 năm trời bị nhốt trong nhà là điều vô cùng đáng lo ngại”.

Đâu phải cứ “nhốt” trẻ ở nhà là yên tâm

Chị B.T.H, có con gái học lớp 9 tại một trường THCS thuộc Q.Thanh Xuân, cho hay suốt vài tháng qua chị đã phải cho con đi điều trị tâm lý do cháu có biểu hiện trầm cảm, chống đối lại tất cả các yêu cầu của giáo viên trong quá trình học trực tuyến.

Mặc dù sắp phải thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng cháu không học hành gì, vở viết hoàn toàn trống trơn, giờ học cháu chỉ tham gia vào lớp để điểm danh sau đó ngủ hoặc chơi game. Tình trạng này kéo dài cho đến khi giáo viên phản ánh, bố mẹ kèm cặp nhưng cháu tỏ thái độ bất hợp tác. “Ao ước lớn nhất của tôi lúc này là cháu được đến trường để tình trạng này không diễn biến xấu hơn”, chị H. chia sẻ.

Phòng Tâm lý học đường của Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đây cũng chỉ ra những vấn đề học sinh gặp phải khi học trực tuyến. Khảo sát 401 học sinh tiểu học và 576 học sinh THCS trên địa bàn Q.Cầu Giấy, đơn vị này nhận thấy trẻ tiểu học gặp khó khăn nhiều nhất về học tập, sau đó là các vấn đề liên quan đến xã hội và thể chất. Trong khi đó, các học sinh THCS có nhiều áp lực với học tập, xã hội và gia đình.

Ngoài ra, học sinh cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến giao tiếp tương tác với bạn bè. Các em dành quá nhiều thời gian cho game, mạng xã hội dẫn đến gặp một số vấn đề như bị lừa đảo, xâm hại, bắt nạt trực tuyến...

Đây cũng là thực trạng mà rất nhiều nhà trường và chính phụ huynh học sinh đang lo ngại.

Đóng mở cửa trường theo cấp độ dịch gây xáo trộn, bất ổn

So với các tỉnh, thành, Hà Nội có lẽ là địa phương ít linh hoạt nhất trong việc mở cửa trường, thậm chí là nơi đóng cửa trường học quy mô rộng và thời gian dài nhất tính đến thời điểm này.

Trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT bắt đầu dừng đến trường từ cuối tháng 4, đầu tháng 5.2021. Sau lễ khai giảng trực tuyến, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của Hà Nội học trực tuyến, trẻ mầm non ở nhà. Học sinh có gần 8 tháng rưỡi ở nhà.

Đến đầu tháng 11.2021, học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã ngoại thành được đến trường. Đầu tháng 12.2021, ở những quận, huyện thuộc vùng 1, học sinh lớp 12 được đi học trực tiếp. Tuy nhiên, do số ca mắc Covid-19 ngày một tăng, Hà Nội tự đặt ra quy định đóng cửa trường hoàn toàn với những địa phương có cấp độ dịch ở mức 3. Do vậy, dù là cho phép học sinh lớp 12 đến trường 3 buổi/tuần nhưng thực tế nhiều quận, huyện gia tăng mức độ dịch từ vùng vàng sang vùng cam, trường học mở cửa được một vài tuần lại đóng cửa.

Ngược lại, khi các quận, huyện khống chế được dịch bệnh, trở lại cấp độ dịch ở mức an toàn hơn thì các trường học cũng không mặn mà với việc mở cửa trường như khi đồng loạt đóng cửa. Dù lãnh đạo các trường này đưa ra nhiều lý do nhưng điều mà họ lo nhất là việc mở cửa thiếu bền vững theo cấp độ dịch công bố hàng tuần như cách Hà Nội đang làm sẽ tạo ra những xáo trộn, bất an không cần thiết trong việc dạy và học.

Ở góc độ quản lý, hàng tuần Sở GD-ĐT Hà Nội cứ đều đặn ra văn bản hướng dẫn đóng, mở cửa trường theo công bố về cấp độ dịch của UBND thành phố, nhưng trường học có mở cửa trở lại theo đúng cấp độ dịch trên địa bàn trường đóng hay không thì Sở hầu như không có ý kiến gì hoặc có chăng cũng chỉ là những khuyến cáo, đề nghị rất… vô thưởng vô phạt.

Trường học đóng - mở liên tục theo cấp độ dịch gây sự bất ổn với chính học sinh

c.h

Chuyên gia y tế nói gì?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng: Hà Nội nên mạnh dạn hơn trong việc cho học sinh đi học, đặc biệt là với lứa tuổi từ 11 - 17, đã tiêm 2 mũi vắc xin, phụ huynh cũng cần vượt qua những lo lắng để đồng thuận cho con đến trường vì những hệ lụy của việc học trực tuyến kéo dài đã nhìn thấy rất rõ.

Theo PGS Nga, Hà Nội đang quá thận trọng trong việc mở cửa, đóng cửa trường theo cấp độ dịch như hiện nay và chính điều này gây ra những bất ổn trong việc dạy và học khi việc mở cửa trường không biết kéo dài được bao lâu.

So sánh với việc mở cửa trường học ở TP.HCM, PGS Nga cho rằng, thực tế cho thấy việc cho học sinh đi học không làm gia tăng tình trạng lây nhiễm mà trái lại số F0 đang ngày càng giảm ở thành phố này. Điều quan trọng là chúng ta cho học sinh đi học thì nhà trường chấp nhận vất vả hơn trong công tác phòng dịch, đồng thời trang bị tốt cho học sinh kỹ năng, tuân thủ các biện pháp 5K thì môi trường trường học sẽ an toàn.

PGS Nga đề nghị Bộ Y tế cũng cần thay đổi các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, thay vì quá coi trọng số ca nhiễm thì chỉ nên quan tâm số lượng ca tử vong, ca bệnh nặng hoặc phải nhập viện điều trị. Chính quyền các địa phương và ngành GD-ĐT, các bậc phụ huynh cũng cần "đong đếm" một cách nghiêm túc giữa cái được và cái mất khi học sinh phải ở nhà học trực tuyến với việc các em được đến trường học trực tiếp và công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm túc.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ngành GD-ĐT từ bộ đến các sở không nên nhìn vào kết quả kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến để yên tâm rằng chất lượng dạy học, dù học sinh không được đến trường vẫn đảm bảo vì đây là hình thức kiểm tra khó có thể đánh giá được chất lượng dạy học thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.