Học sinh ham đọc nhờ 'tủ sách phụ huynh'

28/09/2015 09:19 GMT+7

Mô hình tủ sách của gia đình đang phổ biến ở vùng quê lúa Thái Bình đã giúp các em học sinh nơi đây duy trì được thói quen đọc sách, nhiều em còn đọc một cách say mê.

Mô hình tủ sách của gia đình đang phổ biến ở vùng quê lúa Thái Bình đã giúp các em học sinh nơi đây duy trì được thói quen đọc sách, nhiều em còn đọc một cách say mê.

“Tủ sách phụ huynh” ở một lớp học của Trường tiểu học Thụy Phương (Thái Bình) - Ảnh: Kim Khang“Tủ sách phụ huynh” ở một lớp học của Trường tiểu học Thụy Phương (Thái Bình) - Ảnh: Kim Khang
Mô hình “Tủ sách phụ huynh” ở tỉnh Thái Bình được triển khai từ tháng 5.2010 tại Trường THCS An Dục, H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, từ sáng kiến “Sách hóa nông thôn ở VN” của anh Nguyễn Quang Thạch, quê xã Sơn Lễ, H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Tủ sách do phụ huynh học sinh và anh Nguyễn Quang Thạch đứng ra tài trợ và huy động tài trợ kinh phí mua sắm sách, học sinh tự quản lý tủ sách. Tới tháng 1.2014, mô hình này đã được Sở GD-ĐT Thái Bình nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến nay, đã có hơn 4.700 tủ sách phụ huynh được xây dựng tại địa phương, mỗi học sinh đọc ít nhất 5 đầu sách/năm học, nhiều gấp 5 lần trước đây. Tại nhiều trường học, mỗi học sinh đọc 20 - 30 đầu sách/năm học.
Ông Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thụy Phong, nhớ lại: Trước khi chưa có tủ sách phụ huynh, bình quân một học sinh chỉ đọc khoảng 3 cuốn sách/năm, nhưng từ tháng 3.2013, khi xây dựng “Tủ sách phụ huynh” thành công, mỗi lớp có một tủ sách với khoảng 180 đầu sách, thì tỉ lệ này đã tăng lên 8,5 cuốn sách/học sinh/năm học. Giờ đây, việc đọc sách đã trở thành một nhu cầu tự nhiên của học sinh, không cần phải thúc giục như trước.
Hiệu trưởng Trường THCS An Dục, thầy Nguyễn Văn Dương cũng tâm đắc chia sẻ: Năm 2010, nhà trường bắt tay xây dựng tủ sách lớp. Lớp đầu tiên tủ sách có 169 cuốn, 100% kinh phí do phụ huynh đóng góp. Chỉ 5 tháng sau, từ tủ sách đầu tiên, trường mở rộng tủ sách ở 8 lớp học với 872 cuốn, tổng tiền xã hội hóa gần 20 triệu đồng. Đến nay toàn trường có 21 tủ sách, trên 30.000 cuốn.
“Tủ sách phụ huynh đã thay đổi văn hóa đọc cho học sinh, thậm chí phụ huynh cũng mượn sách để trang bị thêm kiến thức, tìm điểm chung để trao đổi, chuyện trò với con cái. Nhà trường yêu cầu các em viết suy nghĩ và cảm tưởng hoặc giao lưu kể lại nội dung cuốn sách… Sau một tháng, nhà trường luân chuyển tủ sách giữa các lớp học. Đọc sách đã trở thành sở thích, là niềm đam mê của học trò quê lúa trong những năm qua”, thầy Dương cho biết.
Cải thiện yếu kém của thư viện truyền thống
Mô hình tủ sách phụ huynh lặng lẽ thực hiện tại Thái Bình trong suốt những năm qua và đến một ngày, nó đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục. Ngày 26.9 vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã về Thái Bình để tặng 2.000 cuốn sách cho mô hình “tủ sách phụ huynh” tại đây. Hiệu quả của mô hình này đã khiến Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ có chương trình phối hợp để nhân rộng.
“Thư viện trường học đã có từ lâu, nhưng hiệu quả hoạt động không như mong muốn, chưa tương xứng với đầu tư. Tôi cảm thấy phải tìm hiểu, cần có một mô hình thư viện trường học khác với mô hình hiện có”, ông Luận chia sẻ.
Sau chuyến thăm này của Bộ trưởng, anh Nguyễn Quang Thạch, người có sáng kiến hình thành “tủ sách phụ huynh”, chia sẻ: Sau chuyến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nếu Bộ GD-ĐT ra văn bản khuyến khích các trường học trên toàn quốc nhân rộng “Tủ sách phụ huynh” cùng với đưa việc đọc sách của học sinh vào nhiệm vụ của hiệu trưởng, thầy cô giáo và thủ thư, thì khoảng 30% các trường sẽ huy động nguồn lực từ cha mẹ học sinh, cựu học sinh… tạo nên khoảng 70.000 tủ sách ở các cấp trong 1-2 năm học tới”.
Cũng theo anh Thạch, 40% trường học cần được ủng hộ sách để làm yếu tố tác động có điều kiện kích thích cha mẹ học sinh và các nhà trường tham gia, giúp trẻ em có sách đọc. 30% lớp học ở vùng sâu cần được hỗ trợ toàn bộ sách và tủ sách vì đồng bào ở nơi này khó có thể góp sách cho con cái họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.