Để cổ vũ tinh thần cho cuộc thi này, trường còn mời NSƯT Kim Xuân, đạo diễn Quang Dũng và nhà thiết kế trẻ làm giám khảo. Tham gia thi có rất nhiều bộ sưu tập đến từ ý tưởng của giáo viên, học sinh toàn trường. Nổi bật trong cuộc thi này có lẽ là Nguyễn Lê Uyên Phương (học sinh lớp 11D1) với tà áo dài tha thướt kết hợp với mũ mấn vành to có sự đầu tư tỉ mỉ.
Phương chia sẻ: “Năm trước khi tham gia cuộc thi này tại trường, em chỉ mặc một chiếc áo dài bình thường. Tuy nhiên, năm nay em muốn thử thách mình với tà áo dài cầu kỳ có phần đuôi dài, tà rộng. Với tà áo này, em sẽ phải cố gắng để bước đi chỉn chu, không vấp ngã để hoàn thành tốt phần thi của mình”.
Tương tự, Tiêu Khánh Phương (học sinh lớp 10A2) hào hứng: “Đây là lần đầu tiên em tham gia một cuộc thi áo dài có sự đầu tư khá chỉn chu. Khác hẳn với khi mặc áo dài đồng phục, tà áo dài có những dòng chữ viết về mẹ cho em cảm giác biết ơn và thành kính với mẹ của mình. Hơn nữa, với sự thướt tha, vừa vặn từ tà áo dài giúp em ý thức hơn về nét đẹp riêng của người phụ nữ Việt Nam”. Phương còn cho biết: “Không chỉ khi trường đưa ra yêu cầu là phải mặc áo dài truyền thống mà ngay từ đầu em vẫn chọn kiểu áo dài này vì khi mặc áo dài truyền thống là lúc người phụ nữ trở nên duyên dáng nhất".
|
|
Trong khi đó, tà áo dài in kín chữ VN của Huỳnh Thục Anh (học sinh lớp 12D2) lại mang một thông điệp khác. “Em thấy đây là một chiếc áo dài rất đặc biệt, ngoài họa tiết là chữ đen in trên nền vải trắng tượng trưng cho nét đẹp, trong sáng của thời học đường thì từ VN mang nét tự hào và hơn ai hết chúng em là những người sở hữu tà áo dài ấy thì càng cảm thấy trân trọng hơn tà áo dài quê hương”.
Cùng với học sinh chuẩn bị khá chu đáo cho ngày hội áo dài học sinh, các tổ bộ môn cũng đều tham gia với hình ảnh những chiếc áo dài in hình ảnh tượng trưng cho các vùng quê VN. Đặc biệt 100% giáo viên tổ văn đều tham gia biểu diễn áo dài với họa tiết là hình ảnh những bức tranh Đông Hồ còn nổi xà cừ để thấy nét chân thật hiện lên từng tà áo.
|
Cô Lê Ngọc Hân (tổ trưởng tổ ngữ văn) cho hay. “Những bức tranh Đông Hồ in trên tà áo dài đều là do cô lựa chọn sau đó đi in lên tà áo”. Với cô “Tà áo dài giúp người giáo viên giữ gìn hình ảnh, kiềm mình hơn khi đứng trước học trò. Áo dài VN cần được giữ bằng trí tuệ, tấm lòng, công sức, tiền của. Phải giữ bằng niềm tự trọng, tự tin, tự hào và tự ái dân tộc. Dân mình có tấm áo để phân biệt với phương Bắc phương Tây, không chịu mặc cho tử tế đàng hoàng là có tội với đất nước”.
Cô còn nhắn nhủ tới học trò của mình: “Chê áo dài vướng víu thì đừng may cho dài thậm thượt. Cái đẹp đến từ sự vừa vặn. Chê áo dài nóng bức thì đừng may ôm bó sát người. Cái đẹp đến từ sự tinh tế. Chê áo dài dễ lấm bẩn, chi bằng sửa lại cái nết đi đứng của bản thân. Cái đẹp đến từ sự thanh lịch. Chê tà áo dài bất tiện, chi bằng rèn luyện thành một thói quen đầy kiêu hãnh. Cái đẹp đến từ nếp sống chỉn chu".
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)