“Có học trò tuổi lớn hơn thầy. Có em bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, tăng động… Nói chung là ca nào khó, không trường nào nhận thì chúng em đều nhận và dạy cả”, Lê Nguyễn Minh Khanh (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tình nguyện viên đứng lớp) chia sẻ.
Vì là những ca khó nên những người thầy không chuyên này ngày nào cũng phải rèn sự kiên nhẫn để uốn nắn từng nét chữ, luyện từng giọng đọc, từng phép toán… cho những học trò đặc biệt.
Ca nào cũng khó!
Cứ 6 giờ tối, tại lớp học tình thương KP.Long Bửu (Q.9, TP.HCM) lại vang lên những tiếng ê a đọc bài, lâu lâu là tiếng thước khẻ lên bảng để nhắc nhở học sinh trật tự. Những em nhỏ chưa một lần dám mơ ước được đến trường vì gia cảnh khó khăn, những em nhỏ chưa một lần được đi học vì bị thiểu năng trí tuệ… hôm nay cũng ngồi làm từng phép toán, luyện từng nét chữ và lễ phép vòng tay chào khi thấy chúng tôi xuất hiện trong lớp.
tin liên quan
Nghị lực mùa thi: Cô bé học lớp tình thương dưới chân cầu vào đại họcĐang ngồi học, cô bé N. (8 tuổi) tự nhiên phá lên cười, em bị tăng động nên ngồi trong lớp cứ cười suốt. Nhiều khi những tràng cười ngẫu hứng của N. trong lúc cả lớp đang tập trung viết bài cũng khiến những tình nguyện viên mới đứng lớp phải thót tim.
T.V.H (9 tuổi) vào lớp học được hơn 4 tháng nhưng chỉ viết được chữ a và c. Thế nhưng, cứ viết được một chữ là em lại cầm cuốn tập chạy đến các tình nguyện viên chỉ để hỏi “em viết đúng chưa ạ?”. Mà để viết được một chữ, em cũng mất hơn 15 phút vì phải xóa đi xóa lại rất nhiều lần.
C.P.T (10 tuổi) vì quá nghịch và cứ vào lớp học lại thích đánh bạn bè, nên phải ngồi riêng một bàn. Thấy em ngồi một mình, tôi lại hỏi chuyện. Em kể bố làm bác sĩ, mẹ lúc trước cũng làm bác sĩ cho công ty nhưng giờ ở nhà giữ em. Ngạc nhiên, tôi hỏi một tình nguyện viên thì biết được em hơi có ảo giác và thường kể những chuyện “trên trời dưới đất” mà không ai hiểu. Thực ra, bố em bán xe cá viên chiên và mẹ em cũng làm thuê cho người khác.
Còn N.M.H (24 tuổi) học ở lớp học tình thương được 7 năm nhưng chưa qua được lớp 1 vì em bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển nên học trước quên sau, hôm nay học ngày mai đến lớp lại quên sạch và buộc các tình nguyện viên phải dạy lại từ đầu.
“Trong lớp học đặc biệt, được mình em Tuấn (10 tuổi) học được nhưng lại bị ngọng. Những ngày đầu mới vào lớp, em nói không ai nghe được, tụi mình phải luyện cho em phát âm và đọc chậm mỗi ngày. Bây giờ em cũng đã đọc được và dễ nghe hơn. Có những trường hợp học chậm quá và không theo kịp chương trình ở trường tiểu học thì trường cũng gửi về để tụi mình kèm. Nói chung, ca nào cũng khó, nếu không kiên trì và nhẫn nại với các em thì không thể nào duy trì được lớp học”, Khanh nói.
Không bỏ cuộc
Các tình nguyện viên nhiệt huyết này đến từ câu lạc bộ Handmade, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Câu lạc bộ rất đặc biệt, vì không những gây quỹ thực hiện các chương trình thiện nguyện mà còn cung cấp những người thầy không chuyên cho các lớp học tình thương.
“Tụi mình không chuyên nên cũng gặp nhiều tình huống rất khó xử. Có lần đang ngồi kế bên giảng bài, học sinh không chịu học mà lấy tay đánh bay cả mắt kính của mình, mặc dù em chỉ mới 7 tuổi. Lúc đó rất bực nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của em lại thấy thương. Ba mẹ đi làm thuê cả ngày, không ai chăm nên cứ gửi em vào quán game. Chính vì thế, vào môi trường học, em chưa hòa nhập được và hay phản ứng mạnh. Những trường hợp như vậy, tụi mình cũng phải kiên nhẫn và quan tâm mỗi ngày để hiểu và giúp các em được nhiều hơn”, Khanh giãi bày.
Phạm Ngọc Linh, tình nguyện viên dạy tại lớp được 8 năm, cho biết nếu không phải mang trong mình khuyết tật thì đa phần các em cũng là con những gia đình lao động nghèo, ban ngày phải mưu sinh bán vé số, làm gạch… Vì ra đời quá sớm, chưa một lần được đến trường nên các em khó dạy bảo và học rất chậm.
Lớp học này do anh Trần Lâm Thắng (33 tuổi, bảo vệ khu phố) thành lập được 8 năm, từ những ngày đầu chỉ có vài em và phải đi vận động từng nhà, giờ đã có hơn 70 học sinh ở 5 khối lớp và một lớp đặc biệt. Những năm gần đây, với hiệu quả đạt được, lớp học đã liên kết với Trường tiểu học Long Bình (Q.9) để tất cả các bài thi, kiểm tra của lớp đều do trường gửi về. Những em học hết lớp 5 sẽ được chứng nhận hoàn thành tiểu học để tiếp tục theo học lên các khối lớp khác.
Hiện nay, không chỉ đêm nào cũng đứng lớp mà mỗi tháng anh Thắng còn dành hết những đồng tiền lương ít ỏi của công việc bảo vệ khu phố để đóng tiền điện, nước cho lớp học. Thế nhưng, anh vẫn rất lạc quan và đầy nhiệt huyết. “Những thành quả đạt được và sự tiến bộ, trưởng thành của các em mỗi ngày là động lực để mình và các tình nguyện viên ở đây vẫn tiếp tục để phấn đấu duy trì lớp”.
Bình luận (0)