Vừa dạy vừa ôn tập theo chủ đề
Ông Hoàng Gia Thành, Hiệu phó Trường THCS & THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết việc học với khối 12 đang đi vào giai đoạn nước rút nên khá căng thẳng. Hiện các em vẫn đang học theo chương trình và chuẩn bị bước vào giai đoạn thi học kỳ, bắt đầu từ giữa tháng này. Sau khi hoàn tất chương trình tất cả các môn, học sinh (HS) lớp 12 mới bắt đầu vào ôn tập. Trường sẽ ôn theo từng chủ đề cho HS theo từng nhóm khối, để các em làm quen với đề thi.
“Chúng tôi không dồn các em học nhanh để hoàn thành sớm chương trình mà thay vào đó dạy theo phương pháp học tới đâu chắc tới đó - nghĩa là cứ học tới đâu thì luyện tập tới đó. Ví dụ, buổi sáng các em học theo chương trình, đến buổi chiều giáo viên sẽ ôn tập luôn và giao thêm bài tập để các em rèn luyện kỹ năng”, ông Thành nói.
Tương tự ở các trường khác như Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3)..., HS cũng đang bước vào giai đoạn học ôn để chuẩn bị thi học kỳ. Dự kiến đến cuối tháng 6, các trường sẽ hoàn tất chương trình và chuyển sang ôn tập.
Ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, tổ chức cho giáo viên soạn chủ đề tích hợp, vừa kiểm tra, vừa ôn thi THPT trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7. Nhà trường cũng thống nhất HS thực hiện kiểm tra học kỳ tập trung 9 môn thi bắt đầu từ ngày 15.6 trở đi, trong đó mỗi môn thi trắc nghiệm có 4 mã đề.
Vị hiệu trưởng này cho hay các câu hỏi trong đề kiểm tra biên soạn theo định hướng thi tốt nghiệp THPT, kiểm tra kiến thức, năng lực, kỹ năng đáp ứng kỳ thi chứ không đánh đố, gây khó quá mức khiến HS lo sợ, gây tác dụng ngược.
Học ôn theo từng giai đoạn
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết trường xây dựng kế hoạch học tập của HS lớp 12 theo giai đoạn với lộ trình cụ thể áp dụng qua từng tháng. Bước vào tháng 6, hằng ngày HS học theo thời khóa biểu chính khóa, hoàn tất kiến thức mà Bộ đã giảm tải. Sau đó, vào mỗi buổi tối từ 19 - 20 giờ 30 từ thứ hai đến thứ bảy, HS lần lượt học theo đơn vị lớp trên phần mềm học trực tuyến dùng chung trong toàn trường. Việc học trên phần mềm nhằm mục đích ôn tập, củng cố kiến thức các môn thi bắt buộc và bài thi tự chọn. Từ việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm của HS sẽ giúp giáo viên đánh giá sự chuẩn bị kiến thức của từng HS để có sự hỗ trợ kịp thời.
Hoàn tất kiểm tra học kỳ 2 đến ngày 30.6Đối với việc kiểm tra học kỳ 2, căn cứ vào quá trình thực hiện kế hoạch dạy học, Sở GD-ĐT TP.HCM giao quyền chủ động thời gian, hình thức tổ chức cho các trường, sao cho hoàn tất vào ngày 30.6. Đẩy mạnh các hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức vấn đáp, phỏng vấn, kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình... Nhà trường sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập trực tuyến của HS quy đổi thành kết quả thường xuyên.
Được biết, theo kế hoạch thực hiện năm học của TP.HCM, các trường hoàn thành chương trình giáo dục trước ngày 11.7 và kết thúc năm học trước ngày 15.7.
|
Đến tháng 7, kết thúc thời khóa biểu trực tuyến buổi tối, nhà trường chuyển sang giai đoạn tăng tốc. Theo đó, HS sẽ thực hiện bài kiểm tra nhanh ngay sau mỗi ngày học. Việc làm này, theo ông Thạch sẽ giúp HS nắm kiến thức theo kiểu vững chắc để chuyển sang nội dung khác. Như vậy sẽ không bị mất thời gian của học trò. Ông Thạch cũng nhìn nhận do đã giảm tải nên HS không gặp áp lực về kiến thức nhưng gặp những áp lực về thời gian khi phải cùng hoàn tất các công việc trong khoảng thời gian ngắn.
Là trường dạy một buổi nên ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết trên lớp giáo viên vừa dạy để hoàn tất kiến thức vừa kết hợp củng cố những kiến thức liên quan để chạy đua với thời gian. Còn lại, giáo viên tăng cường, khuyến khích HS tự học tại nhà bằng những bài tập, tham khảo các nguồn tài liệu đã được thẩm định.
Ông Khoa nói thêm, để làm tốt bài thi trắc nghiệm thì không chỉ đảm bảo kiến thức mà còn rèn kỹ năng thuần thục, nhuần nhuyễn, phản xạ nhanh nên thời gian này nhà trường họp tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy, dành thời gian cho HS làm bài tập theo định hướng của kỳ thi, nhưng tránh tạo áp lực mà phải tạo động lực, sự hứng khởi cho HS.
Bình luận (0)