Học sinh lớp 8 chết đuối vì xả thân cứu bạn

22/02/2016 09:01 GMT+7

Cường đứng trên bờ nhảy xuống nước thì bị hụt chân lại không biết bơi nên uống nước. Thấy vậy, Nhàng liền nhảy xuống cứu nhưng không thể đưa bạn vào bờ được, rồi cả hai chết đuối...

Cường đứng trên bờ nhảy xuống nước thì bị hụt chân lại không biết bơi nên uống nước. Thấy vậy, Nhàng liền nhảy xuống cứu nhưng không thể đưa bạn vào bờ được, rồi cả hai chết đuối...

Bà Hương ngồi trước nhà nhìn về phía hồ Suối Cầu - Ảnh: Hoàng TrọngBà Hương ngồi trước nhà nhìn về phía hồ Suối Cầu - Ảnh: Hoàng Trọng
Chiều 21.2, PV Thanh Niên đến xã Canh Hiển (H.Vân Canh, Bình Định) vẫn còn nghe nhiều người kể câu chuyện về tấm gương của em Nguyễn Thanh Nhàng (14 tuổi, ở thôn Thanh Minh) với thái độ cảm phục nhưng cũng đầy xót thương.
Em Phạm Bảo Vạn (ở thôn Thanh Minh), học sinh lớp 8A2 Trường THCS Canh Hiển, kể: Trưa 19.2, một nhóm gồm 5 học sinh lớp 8A2 rủ nhau đến hồ Suối Cầu (ở thôn Thanh Minh) chơi. Nơi các em đến tắm là một vực sâu, khoảng cách từ mặt nước đến bờ khoảng 4 m.
Lúc đó, em Trần Quốc Cường đứng trên bờ nhảy xuống nước thì bị hụt chân lại không biết bơi nên uống nước. Thấy bạn đang ngụp lặn mà không vào bờ được nên em Nhàng liền nhảy xuống cứu.
Em Cường to xác hơn nhưng lại không biết bơi nên níu chặt vào người em Nhàng. Dù biết bơi nhưng Nhàng cũng không thể đưa bạn vào bờ được, rồi cả hai liên tục trồi sụt dưới nước.
Bà Hương nhìn chiếc xe đạp của con trai - Ảnh: Hoàng TrọngBà Hương nhìn chiếc xe đạp của con trai - Ảnh: Hoàng Trọn
Thấy vậy, em Ngô Quốc Phi đứng trên bờ cũng nhảy xuống nước để cứu bạn. Tuy nhiên, khi em Phi bơi gần đến thì được em Nhàng dùng chân đẩy vào bờ. Tuy vùng vẫy nhưng Nhàng vẫn không thoát ra để đưa được Cường vào bờ.
“Hai bạn Nhàng và Cường vẫn ngụp lặn dưới nước. Lúc đó, bạn Nhàng trồi lên được mặt nước hô cứu... cứu... 3 tiếng nên em nghe được liền chạy đi gọi người tiếp ứng. Tuy nhiên, khi mọi người đến nơi thì hai bạn Nhàng và Cường đã chết rồi. Còn bạn Phi thì hoảng loạn như người bị nói mê, nói sảng”, em Phạm Bảo Vạn kể lại.
Sau khi nghe các bạn của em Nhàng chạy về kêu cứu, ông Nguyễn Văn Biên (51 tuổi, cha của em Nhàng) và nhiều người khác mới chạy ra.
Ông Biên kể chuyện về em Nhàng - Ảnh: Hoàng TrọngÔng Biên kể chuyện về em Nhàng - Ảnh: Hoàng Trọng
Từ nhà của ông Biên đến hồ Suối Cầu dài hơn 2 km lại là đường núi nên rất khó đi. Khi mọi người đến nơi, vớt được em Cường lên trước rồi mới đến em Nhàng.
Sau đó, gia đình báo với chính quyền và công an địa phương. Sau khi lực lượng chức năng đến khám nghiệm hiện trường, hoàn thành các thủ tục về mặt pháp lý rồi bàn giao cho gia đình an táng.
Con ngoan trò giỏi
Đường vào nhà em Nhàng ngoằn ngoèo, băng qua sông rồi hun hút vào sâu trong chân núi. Ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè của gia đình em những ngày qua liên tục có bạn bạn bè, thầy cô, họ hàng, người thân... đến chia buồn, động viên nhưng cũng không vơi được không khí nặng nề, đau thương.
Bà Hương với những giấy khen của em Nhàng  - Ảnh: Hoàng TrọngBà Hương với những giấy khen của em Nhàng  - Ảnh: Hoàng Trọng
Bà Trần Thị Hương (47 tuổi), mẹ của Nhàng, liên tục nấc lên nghẹn ngào rồi ngất xỉu vì nỗi đau mất con. Hết ngồi bên bàn thờ con, bà Hương lại ra hiên ngồi nhìn về phía núi xa xa nơi có hồ Suối Cầu như chờ đợi con về. Rồi bà lại nhìn chiếc xe đạp của con trai, nước mắt cứ thế tuôn...
Vợ chồng bà Hương có 7 người con (5 gái và 2 trai), sau Nhàng là em gái út. Con đông, vợ chồng lại làm nông với 8 sào ruộng nên cuộc sống gia đình luôn khó khăn, suốt mấy năm qua liên tục nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương.
Ngoài em Nhàng, gia đình còn có 3 anh chị em khác đang đi học, trong đó có người đang học năm 2 ở Trường ĐH Quy Nhơn. Những anh, chị của em Nhàng nghỉ học cũng làm nông hoặc chưa có việc làm.
Căn nhà cấp 4 của gia đình em Nhàng - Ảnh: Hoàng TrọngCăn nhà cấp 4 của gia đình em Nhàng - Ảnh: Hoàng Trọng
“Cha mẹ làm ăn khó khăn thì con cái bao giờ cũng khổ nhưng vợ chồng tôi được an ủi phần nào là nhờ các con siêng năng, học giỏi. Thằng Nhàng học giỏi, mấy năm nay nó còn nhận được học bỗng của một tổ chức nào đó được 2,8 triệu đồng/năm. Học giỏi ở trường nhưng về nhà nó rất chăm làm phụ giúp cha mẹ. Đi học về cởi bộ đồ ra là đi chăn bò, cắt cỏ...”, bà Hương nghẹn ngào.
Ông Biên nói tiếp: “Ngoài mấy đứa đi học, trong 3 đứa con lớn của tôi thì đứa làm nông, đứa học cao đẳng ngành du lịch, ra trường với tấm bằng loại Khá đã 3 năm nay vẫn chưa xin được việc làm. Thằng Nhàng là đứa lanh lẹ nên được gia đình rất kỳ vọng, vậy mà nó bỏ chúng tôi mà đi. Giờ đến nấm mồ của cháu cũng không có tiền để xây”.
Những câu chuyện về em Nhàng, về khó khăn của gia đình ông Biên... dần dần được người nhà và hàng xóm kể lại với chúng tôi trong suốt buổi chiều mưa phùn, lạnh buốt. Khi mọi người còn đang say chuyện thì bà Hương nói với chồng: “Hôm nay lạnh quá, mình ra mộ đốt cho con nén nhang, chất cho nó đống lửa anh hè. Đêm này, một mình nó ở dưới đó lạnh lắm...”.
Ông Biên đứng dậy chuẩn bị một lát rồi hai vợ chồng ôm nhang, củi... chở nhau vào núi.
"Nhàng là một trong số những học sinh giỏi của lớp, được bầu làm Lớp phó lao động, Tổ trưởng. Trong quá trình học, bạn ấy thường được các thầy cô khen và liên tục nhận được bằng khen, phần thưởng vào cuối năm học. Trong các hoạt động văn nghệ, thể thao của trường cũng luôn có sự tham gia nhiệt tình của bạn Nhàng. Mất người bạn tốt như Nhàng, chúng em rất buồn", Phạm Bảo Vạn, bạn học của Nhàng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.