Học sinh lớp 8 làm truyện tranh về Gạc Ma nhận giải quốc gia

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/03/2018 18:33 GMT+7

“ Gạc Ma và những người anh hùng ” là truyện tranh được nhóm học sinh lớp 8 thể hiện với tất cả tình yêu lịch sử và lòng biết ơn những chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma . Ý tưởng này đã được Bộ GD-ĐT trao giải.

Dự án mang tên “Giáo dục tình yêu biển đảo qua việc sáng tạo ra truyện tranh Gạc Ma và những người anh hùng” đã được chọn tham dự và đoạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 - 2018, khu vực phía Bắc, từ ngày 10 - 13.3.
Ba cô trò trong khu vực trình bày dự án truyện tranh của mình tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc Ảnh HOÀNG LAM
Tại sao lại là Gạc Ma? 
Việc làm sao để tất cả các bạn trẻ đều biết và hiểu cặn kẽ về sự kiện hải chiến Gạc Ma (14.3.1988) được Nguyễn Diệu Huyền (học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) trăn trở trong một thời gian dài.
"Lịch sử không hẳn là chỉ những dòng chữ, những con số khô khan. Sau nhiều thời gian suy nghĩ, em quyết định chuyển thể câu chuyện của những chiến sĩ Gạc Ma năm xưa thành truyện tranh”, Diệu Huyền tâm sự.
Ý tưởng này của Huyền nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cô bạn cùng trường Mai Ngọc Như và cô giáo Trần Thị Thanh Ước. Tại sao lại là Gạc Ma và tại sao lại là truyện tranh? Cô Ước cho rằng, trong trận chiến cách đây tròn 30 năm, 64 người con ưu tú của lực lượng Hải quân Việt Nam, những người con ưu tú, quả cảm của dân tộc Việt Nam, đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo. Một sự kiện lịch sử bi hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta không thể để lãng quên, nhất là đối với các bạn trẻ; còn truyện tranh là cách thể hiện gần gũi nhất, dễ thu hút nhất với đông đảo học sinh.
Một trong những trang truyện do các em học sinh thể hiện
Ngoài việc thu thập tư liệu trong sách, khai thác trên internet, Huyền và Như tìm đến tận nhà một nhân chứng sống của trận chiến là bác Trần Thiên Phụng, cựu chiến binh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa, đang sinh sống tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, để trực tiếp nghe bác kể những câu chuyện sinh động và chân thực nhất.
Cô Trần Thị Thanh Ước cho biết, việc được nghe chính nhân chứng sống kể lại các câu chuyện về sự kiện này là một may mắn lớn với cô trò trong quá trình thực hiện dự án, bởi hiện nay, sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường chưa đề cập tới sự kiện này, nên việc tìm kiếm tư liệu tương đối khó khăn.
Khi tư liệu đã được sưu tầm, thẩm định chính xác nhất, hai nữ sinh bắt tay vào chuyển thể thành truyện tranh. Nếu như Huyền có thế mạnh về việc lên ý tưởng, sắp đặt kết cấu của câu chuyện lịch sử, thì Như lại có năng khiếu về hội họa, dù chưa học qua bất kỳ trường lớp nào.
Một trang truyện tranh Gạc Ma và những người anh hùng  Ảnh Hoàng Lam 
“Cái khó nhất trong việc thể hiện một sự kiện lịch sử bằng truyện tranh là bối cảnh. Em chưa từng ra đến Trường Sa, chưa từng đặt chân đến đảo Gạc Ma, nên phải tìm các tư liệu hình ảnh về sự kiện này và tưởng tượng ra bối cảnh để vẽ. Em lựa chọn phong cách truyện tranh Manga - một thể loại truyện tranh khá quen thuộc với các bạn học sinh, để thể hiện”, Ngọc Như chia sẻ.
Khi xem sản phẩm đã hoàn thiện của Huyền và Như, được các cháu xin ý kiến đánh giá, người cựu binh Trần Thiên Phụng chỉ biết thốt lên: “Bác mừng lắm! Các cháu đã làm một điều thật tuyệt vời”!
Cô giáo dạy sinh hướng dẫn học trò làm truyện... lịch sử
Điều rất bất ngờ là cô giáo Trần Thị Thanh Ước, người đồng hành, hướng dẫn các em trong qua trình thực hiện đề tài này, lại không phải là giáo viên dạy lịch sử, mà là giáo viên dạy môn sinh học.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, cô Ước nói: "Có lẽ điều duy nhất khiến cho cô trò chúng tôi tìm đến nhau là sự đồng cảm về tình yêu môn lịch sử nói chung và sự biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma nói riêng. Tôi không thích đọc lịch sử để ghi nhớ những con số mà để biết về hành trình giữ nước và dựng nước của ông cha ta, những hy sinh thầm lặng và vĩ đại của những thế hệ người lính qua từng thời đại".
Cô Ước tâm sự, tại buổi lễ trao giải, khi dự án của học sinh mình hướng dẫn được xướng tên và nhận giải nhì cấp quốc gia, cô đã khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt vỡ òa không chỉ bởi niềm vui nhận giải thưởng lớn mà còn vì mong ước bao lâu nay của cô trò, muốn làm một điều gì đó, dù nhỏ bé thôi, để tri ân các anh hùng trong trận chiến Gạc Ma, đã thành hiện thực.
Hai học sinh rất hào hứng khi được trình bày ý tưởng của mình tại gian trưng bày
Cô Ước khóc vì niềm vui, niềm tin rằng học trò dù chưa nhiều em yêu thích học môn lịch sử trong nhà trường, nhưng chắc chắn các em không hề quay lưng lại với lịch sử dân tộc. “Cả quá trình chứng kiến các em trăn trở với ý tưởng, lăn lộn tìm kiềm nguồn tư liệu chính thống nhất, chân thực thực nhất để thực hiện dự án này, tôi đã thấy điều đó”, cô Ước nói.
Phó giáo sư lịch sử Nghiêm Đình Vỳ, một giám khảo về lĩnh vực khoa học xã hội trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, cho biết: "Có nhiều giám khảo chấm độc lập một dự án, nhưng cá nhân tôi đã chấm điểm rất cao cho dự án này, bởi nhận thấy tình yêu, sự biết ơn của các em đối với lịch sử dân tộc, đặc biệt là sự kiện Gạc Ma".
Theo thầy Vỳ, dù nét vẽ của các em còn vụng về, câu chữ còn có chỗ non nớt, nhưng các em đã rất tâm huyết, trách nhiệm và có cả quá trình tìm tòi, sáng tạo đáng trân trọng. “Với tư cách là người nghiên cứu, dạy và viết sách về lịch sử, tôi thấy đây là tín hiệu rất đáng mừng, giới trẻ không hề chán lịch sử, nếu có cách truyền tải phù hợp”, thầy Vỳ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.