Học sinh lớp 9 tại TP.HCM nhảy lầu tự tử vì điểm kém

15/09/2017 11:23 GMT+7

Xuất phát từ việc bị 3 điểm môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào, một học sinh lớp 9 đã bị trầm cảm kéo dài và đã nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.

Một trường hợp rất đau lòng xảy ra tại TP.HCM trong những ngày gần đây. Một học sinh lớp 9 (tại một trường THCS ở Q.1) bị 3 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm, môn học mà em giỏi và tự tin nhất. Sau đó em bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, ba mẹ cũng túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc. Nhưng cuối cùng em đã nhảy từ chung cư xuống đất và tử vong.

Trầm cảm vì áp lực điểm số là điều nguy hiểm cho học sinh - Ảnh minh họa: Getty Image
Chênh vênh trên miệng vực

Một nhà báo tại TP.HCM, người biết về trường hợp này, cho biết cha mẹ của bé rất thành đạt, mẫu mực. Gia đình có 2 người con. Câu chuyện xảy ra từ tuần trước. Đau đớn trước câu chuyện này, chị T.H đã chia sẻ trên Facebook cá nhân và lập tức gây ra một làn sóng rộng khắp trên cộng đồng mạng: “Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con? Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong của Chính Mình? Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình? Trước khi hiểu những người bên kia bán cầu nói gì thì làm ơn hiểu chính cơ thể mình đang nói gì đã. Với chính mình, với con, chúng ta còn xài ngoại ngữ, loại ngoại ngữ chả bao giờ thèm đi học, nên thậm chí tiếng kêu cứu, mà người mình yêu nhất, ở ngay cạnh cũng không nghe được... Tôi biết, những bé có nguy cơ trầm cảm, là trong cơ thể con bẩm sinh đã sẵn có cơ chế sinh hóa không cân bằng, chất dẫn truyền thần kinh không như số đông người bình thường, nên tâm lý nhạy cảm, và con khó chống chọi với áp lực. Trong riêng trường hợp này, tôi biết không phải chỉ tại điểm 3, hay tại môn tiếng Anh. Bố mẹ bé đã rất cố gắng, đã nghỉ việc ở nhà để quan tâm tới con, đã đưa bé đi bác sĩ, trò chuyện, giải tỏa... Nhưng vẫn không ngăn kịp cú đẩy cuối cùng khi bé đang đứng chênh vênh trên miệng vực”…

Trên Facebook cá nhân, chị T.H, một nhà báo tại TP.HCM, viết: “Thà là con học kém vài điểm còn hơn con u uất, chán ghét tới trường, không có bạn bè không có niềm vui trong cuộc sống. Học sinh trường chuyên, rồi sinh viên Harvard, sinh viên Ivy League cũng tự tử kìa. Khi đó có còn cứu được không? Ở Nhật Bản, tỷ lệ chết do tự tử ở thanh thiếu niên đã đứng hàng đầu trong các lý do tử vong, cao hơn TNGT, cao hơn ung thư. Ở Úc thanh thiếu niên chết vì tự tử cũng cao hơn TNGT. Ở Việt Nam cũng đứng thứ 2 rồi đó!”.

Trong số hàng ngàn chia sẻ về câu chuyện này, đa số đều lên án áp lực điểm số, áp lực thành tích đè nặng lên học sinh này. Một phụ huynh chia sẻ: “Đọc xong thấy thương bé trong câu chuyện. Mong con sang thế giới bên kia sẽ không bị áp lực học như trước đây. Thật sự thấy lo lắng và sợ hãi, thấy mình đã sai trong cách dạy con học. Thôi thì cứ để con tự nhiên, con không học giỏi, điểm của con kém gần nhất lớp thì kệ đi. Cái quan trọng mẹ cần con hơn. Mẹ con mình là bạn bè, là chị em, là cuộc sống của nhau nên mẹ sẽ không ép con nữa. Con không thích học thì cứ thuận theo tự nhiên đi. Con thích bóng đá mẹ sẽ cố gắng lo cho con được theo đuổi sở thích và đam mê của mình”.

Dạy cho con biết chấp nhận

Ở một góc nhìn khác, thầy Phạm Phúc Thịnh, giáo viên một trường quốc tế, cho biết: “Trước tiên, cần nhận thức rằng nền giáo dục ở bất kỳ nơi đâu cũng thực hiện việc đánh giá học sinh chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Dù các tiêu chí và cách thức đánh giá ở mỗi nền giáo dục có thể khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là định lượng thành tựu học tập của học sinh. Mà hễ đã có đánh giá thì đương nhiên phải có so sánh thứ bậc và xếp hạng. Trừ khi bạn chọn hình thức homeschooling cho con, còn đã đưa con đến trường thì phải chấp nhận thực tế là con sẽ được đánh giá, xếp loại khi tham gia các hoạt động học tập ở trường. Xin đừng cực đoan trong việc nhìn nhận yêu cầu đánh giá, xếp hạng ở trường học! Bản thân giáo dục, từ thuở sơ khai đã nảy sinh và tồn tại nhu cầu đánh giá vì việc phân loại học sinh để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục là điều cần thiết. Xét về phương diện khoa học, mỗi cá nhân học sinh cũng là một bản thể mang sắc thái riêng, có khả năng tiếp thu kiến thức và cảm xúc tâm lý khác nhau. Đánh giá học sinh, vì thế không phải là một công cụ để loại bỏ các em mà là để giúp nhà trường hiểu được năng lực của từng học sinh nhằm giúp các em học tập có hiệu quả”.

Cũng theo ông Thịnh, có một thực tế mà như chúng ta đã thấy, một khi cha mẹ và nhà trường hiểu sai mục tiêu của yêu cầu đánh giá học sinh, điều này sẽ dẫn đến những lệch lạc đáng lo ngại. Việc coi trọng điểm số, suy cho cùng, đó là hậu quả chung của một xã hội mà mục tiêu và phương pháp giáo dục đã bị định hướng méo mó ngay từ đầu. Vấn đề của chúng ta là phải chữa căn bệnh đó cho cha mẹ và nhà trường bằng các "phác đồ điều trị" phù hợp chứ không phải là tẩy chay việc sử dụng công cụ đánh giá học sinh. Vì thế, hãy dạy cho con biết chấp nhận cả điểm cao cũng như điểm thấp ở trường bởi đó chính là thể hiện sự đánh giá cần thiết về khả năng và nỗ lực của con. Thái độ ứng xử và cách cha mẹ đồng hành cùng con trong việc tiếp nhận kết quả điểm số ở bất kỳ mức độ nào mới là tác nhân quan trọng giúp con thành công, không chỉ trong việc học tập ngày hôm nay mà còn trong cả tương lai mai sau!

Nguy hiểm từ trầm cảm

Năm 2014, một học sinh lớp 10 tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã tự tử vì điểm kém môn tiếng Anh. Cậu bé này là học sinh tiểu học, lớp 5, quê gốc ở tỉnh Giang Tây, nhưng đang sống với ông bà ở quận Phiên Ngung khi cha mẹ làm việc xa nhà tại Giang Tô. Không lâu trước khi tự vẫn, cậu bé đã viết trong nhật ký của mình: "Tôi chỉ đạt 39 điểm trong kỳ thi tiếng Anh. Tôi rất hối hận vì đã không nghe bà ngoại của tôi ngày hôm qua. Tôi sẽ dành nhiều thời gian xem lại bài học của mình trong thời gian tới trước khi kỳ thi".

Cuối năm 2016, một nam sinh 15 tuổi, học lớp 10 tại Trường trung học Bolsa Grande, đã treo cổ tự tử tại nhà, gây ra làn sóng hoang mang khắp nơi trong cộng đồng. Trước khi tự tử, học sinh này đã để lại 3 lá thư cho gia đình, bạn bè, mọi người. Theo những gì trong thư, chính căn bệnh trầm cảm, nhưng lại cố tình giấu, không cho ai biết, cùng với nỗi chán ghét việc học cùng hệ thống giáo dục đã khiến em không còn muốn tiếp tục sống. Nam sinh này viết trong một lá thư: “Khi bạn thật sự thấy chán nản hay buồn rầu, làm ơn nói ra với ai đó, bất kỳ ai. Bạn có bạn bè, có gia đình, đó là những người luôn sẵn lòng vì bạn và yêu thương bạn, giúp bạn bằng mọi cách để vượt qua. Mình biết mình giống như kẻ giả dối khi nói điều này, nhưng làm ơn đừng để nỗi buồn, cơn giận dữ hay bất cứ điều gì làm cho cảm xúc của bạn cứ tăng mãi trong lòng, bởi mình có thể bảo đảm rằng bạn sẽ làm điều gì đó để rồi phải hối tiếc”.

Cũng trong năm 2016, sau khi kết quả thi được trường gửi về nhà, một nam sinh 11 tuổi ở Singapore đã nhảy khỏi cửa sổ tầng 17. Nạn nhân không được tiết lộ danh tính, truyền thông địa phương chỉ biết em mới học lớp 5. Trong 4 năm đầu tiểu học, em chưa bao giờ bị điểm thấp dù ở bất kỳ môn học nào. Điểm trung bình thường là 70 trên 100. Thế nhưng, trong kỳ thi giữa kỳ vừa rồi, kết quả thi của em ở 2 môn toán và tiếng Hoa nâng cao lại không được như kỳ vọng. Ngày 18.10, thi thể câu bé được phát hiện trên mặt đất ngay sát nền chung cư Sengkang. Em mất chỉ 9 ngày sau sinh nhật thứ 11. 
Các nhà điều tra xác định đây là một vụ tự tử và phát đi lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Nội dung cảnh báo nhắc nhở các bậc cha mẹ và thầy cô cần giải thích rõ cho các em hiểu là không phải lúc nào nỗ lực học tập cũng đạt được kết quả mong muốn và mọi thất bại chỉ là tạm thời, theo The Straits Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.