93% trẻ mắc Covid-19 dưới 12 tuổi
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ ngày 14 - 22.2, số trẻ mắc Covid-19 tăng gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7 - 13.2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học; bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp mầm non 394 em, cấp tiểu học 2.786 em, THCS 1.875 em, THPT - giáo dục thường xuyên 1.744 em. Báo cáo của Sở Y tế TP cũng cho thấy 93% ca bệnh là trẻ dưới 12 tuổi, đây là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin. Ba bệnh viện (BV) nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP.HCM) đang điều trị nội trú cho 100 em; trong đó 84% trẻ có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng), 11% trẻ em phải hỗ trợ hô hấp.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, sáng 14.2 |
Ngọc Dương |
Về cơ sở hạ tầng thu dung trẻ em, 3 BV nêu trên có 450 giường ở khoa điều trị Covid-19, trong đó có 150 giường hồi sức. Ông Thượng cho biết các chuyên gia đã xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc Covid-19 gia tăng sẽ mở rộng thêm số giường tại các BV nhi, huy động các BV quận, huyện có khoa nhi. “Ngành y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp”, ông Thượng nói.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin sau nhiều ngày duy trì số ca nhiễm Covid-19 ở mức 3 con số, thì ngày 22.2, TP.HCM ghi nhận hơn 1.300 ca. Lý giải ca nhiễm có chiều hướng tăng, ông Tăng Chí Thượng đưa ra con số khảo sát ngẫu nhiên biến chủng Omicron trong cộng đồng từ ngày 10 - 17.2 cho thấy 70/92 mẫu bệnh phẩm dương tính với biến chủng này, chiếm 76%. Từ đó, ông Thượng nhận định biến chủng Omicron đang tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm gia tăng.
Trẻ mắc Covid-19 ở TP.HCM tăng nhưng hầu hết ở mức nhẹ và trung bình |
Thống nhất cách xử lý ổ dịch
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhận định việc số học sinh quay lại trường cùng biến chủng mới khiến số ca tăng cao là không có gì bất ngờ và vẫn nằm trong tính toán. Do vậy, Sở Y tế cần đưa trẻ em vào chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao.
Trước băn khoăn của nhiều địa phương về việc thiếu thống nhất trong áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa khi xuất hiện ổ dịch, ông Nên yêu cầu ngành y tế cần tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 cộng đồng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, trên từng địa bàn phải cụ thể hóa bằng các kịch bản cho từng tình huống. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cần ban hành sớm nhất quy trình hướng dẫn, trong đó xác định như thế nào là ổ dịch, khi có ổ dịch thì làm gì để ngăn chặn lây nhiễm vào các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Việc này phải hướng dẫn cụ thể để thống nhất toàn TP.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, TP cần lên kế hoạch phân phối thuốc nhanh trên toàn địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế cần chủ động phối hợp với các nhóm nhà khoa học, chuẩn bị kịch bản cho tình huống biến chủng mới xuất hiện để có biện pháp ứng phó.
Bình luận (0)