Học sinh sáng chế mô hình báo cháy và thoát nạn thông minh

07/08/2024 07:30 GMT+7

Mô hình báo cháy và thoát nạn thông minh do một nhóm 3 học sinh ở Hậu Giang thực hiện vừa đoạt giải nhì Hội thi khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học dành cho học sinh các trường khu vực ĐBSCL năm 2024.

Tác giả mô hình là 3 em Nguyễn Minh Khôi, Đặng Thành Tài, Bùi Minh Tuấn, cùng học lớp 8A5, Trường phổ thông dân tộc nội trú Him Lam (H.Châu Thành A, Hậu Giang).

Thành Tài chia sẻ trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm, thiết bị cảnh báo cháy nhưng không dễ tìm được thiết bị có sự liên kết công dụng vừa báo cháy, chữa cháy vừa có khả năng mở lối thoát hiểm tự động. Đó là lý do thôi thúc em cùng 2 bạn Minh Khôi và Minh Tuấn nghiên cứu, thiết kế mô hình. Mục đích là góp thêm ý tưởng, giải pháp trong việc đề phòng hỏa hoạn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Cả nhóm mất hơn nửa tháng để thực hiện, với tổng kinh phí chưa tới 1 triệu đồng.

Học sinh sáng chế mô hình báo cháy và thoát nạn thông minh- Ảnh 1.

Mô hình báo cháy và thoát nạn thông minh do nhóm học sinh thực hiện

THANH DUY

Để có mô hình hoàn chỉnh, nhóm lập trình phần mềm liên kết hơn 10 linh kiện điện tử hoạt động với nhau. Thiết bị đầu vào có biến trở, các cảm biến. Mạch xử lý trung tâm là Arduino Nano ESP32. Một số thiết bị đầu ra gồm: màn hình oled, đèn LED, loa mini, module sim 800A, relay 2 kênh. Sản phẩm có 3 mức cảnh báo (có khói, có lửa, có cháy) giúp người dùng ứng phó với các tình huống.

Nếu không trực tiếp xem mô hình, người dùng vẫn có thể biết được các thông số cảm biến ở đó như thế nào thông qua phần mềm Blynk trên điện thoại thông minh. Hình thức thông báo có thể bằng tin nhắn hoặc gọi điện thoại trực tiếp, tùy phần cài đặt. Khi nồng độ cảm biến vượt ngưỡng, mô hình sẽ tự động hóa kích hoạt vòi phun nước và cửa thoát hiểm sẽ tự mở (bằng thiết bị servo). Ngoài tự động, người dùng vẫn có thể điều khiển bằng điện thoại bất cứ lúc nào nếu cảm thấy không an tâm.

Theo Khôi, khâu khó nhất là việc lựa chọn, lập trình máy tính để sử dụng đồng bộ các loại cảm biến. Nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, nhóm đã rút ngắn được thời gian xử lý vấn đề này. Hiện việc vận hành mô hình đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đề ra. Ưu điểm là các cảm biến nhạy, phát hiện ngay từ lúc đám cháy mới bén lửa. Để mở rộng hơn tính năng, nhóm lắp đặt thêm cảm biến hồng ngoại nhằm xác định phạm vi cụ thể của đám cháy. Tuy nhiên, do sử dụng đầu dò hồng ngoại phạm vi quét khoảng 80 cm nên dễ bị nhiễu. Bởi, các vật liệu nóng như đèn hoặc ánh sáng mặt trời cũng có thể phát cảnh báo. Hạn chế này nhóm đang tập trung khắc phục để sản phẩm hoàn thiện hơn.

Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên hướng dẫn, cho biết mô hình báo cháy và thoát nạn thông minh vừa đoạt giải nhì Hội thi khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học dành cho học sinh các trường khu vực ĐBSCL năm 2024. Mặc dù sản phẩm là mô hình, nhưng điều quan trọng là các em đã vận dụng được khả năng nghiên cứu khoa học công nghệ, kết nối nhiều bộ phận riêng lẻ thành một hệ thống hoạt động hiệu quả. Ý tưởng của các em có triển vọng để trường học, bệnh viện, văn phòng và các khu chung cư nâng cao khả năng phòng cháy, chữa cháy.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.