Học sinh sáng tạo phần mềm hỗ trợ người khuyết tật

27/08/2018 10:08 GMT+7

Phần mềm 'Điều khiển thiết bị trong gia đình bằng giọng nói' của nhóm học sinh Trường THPT Phan Văn Trị (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP.Cần Thơ.

Nhóm học sinh gồm Lê Nguyễn Chí Nhân (lớp 11A2), Huỳnh Văn Tài (12A1), Nguyễn Quốc Thông (10A2). Phần mềm này có nhiều tiện ích hỗ trợ người khuyết tật, người già...
Nhân chia sẻ, từ thực tế quan sát cho thấy đối với người khuyết tật thì việc điều khiển và sử dụng các thiết bị trong gia đình rất khó khăn. Vì vậy, nhóm quyết tâm tạo ra một thiết bị quản lý và có thể điều khiển bật, tắt thiết bị, giảm bớt năng lượng hao phí trong quá trình sử dụng, hỗ trợ tối đa cho những trường hợp trên.
Từ tháng 7.2017 đến nay, nhóm tập trung thiết kế phần mềm cài đặt trên hệ điều hành Android của điện thoại thông minh. Người dùng chỉ cần đặt lệnh bằng giọng nói là có thể tắt hoặc khởi động các thiết bị điện tử trong phạm vi 15 m.
Về cách sử dụng, nhờ tích hợp ứng dụng nhận diện giọng nói để giúp người khuyết tật có thể dễ dàng vận hành các thiết bị vận động, giao diện hình ảnh to và rõ, chức năng phản hồi thông minh giúp người có tầm nhìn kém và người mù chữ có thể sử dụng thiết bị này.
Ngoài ra, thiết bị tích hợp các cảm biến thông minh giúp thông báo sớm tai nạn và chức năng gọi điện cầu cứu người thân, giúp cho người già, người khuyết tật có thể nhận biết sớm được tai nạn và có thể xử lý nhanh.
Theo Nhân, cách sử dụng vô cùng đơn giản, có thể truy xuất chức năng nhận dạng bằng giọng nói, sử dụng cảm biến tiệm cận nên người dùng chỉ cần đưa lại gần tai thì có thể truy xuất cảm biến nhận dạng bằng giọng nói mà không cần phải nhấn nút. Cuối cùng, là một số tiệm cận cho người dùng, có thể cài đặt 3 số điện thoại thân thiết nhất khi có những sự cố như: cháy nhà, rò rỉ khí gas… hệ thống sẽ gọi trực tiếp đến các số máy trên để thông báo ứng cứu.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết sau cuộc thi, các em đã trích lại một phần quỹ để hỗ trợ cho nhà trường. Mô hình của các em có thể phát triển, ứng dụng được trong cuộc sống. Mặt khác, các em cũng đang nghiên cứu bo mạch để giảm chi phí giá thành. “Tôi đánh giá rất cao sản phẩm này, cũng như có lời khen về tinh thần phấn đấu của các em và mong các học sinh tiếp theo của trường cũng phát huy tinh thần này để tiếp tục có những sản phẩm tốt”, ông Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.