Học sinh ngày nay tuy có thể sử dụng thành thạo thiết bị điện tử thông minh, nhưng lại rất vụng về trong cuộc sống. Đây là một thực trạng diễn ra khá phổ biến, khiến nhiều người lo ngại.
Nhiều học sinh đang thiếu kỹ năng sống - Ảnh minh họa |
Cây chanh là cây nào?
Chị Lệ ở ngõ 1194 đường Láng, Q.Ba Đình kể, từ vài năm nay, khi các con đã lớn thì chị không thuê người giúp việc nữa. Việc nội trợ chủ yếu do chị đảm nhiệm. Con gái lớn của chị 17 tuổi, cháu học giỏi và là học sinh một trường chuyên nên chị dành cho con nhiều sự ưu ái, không bắt con tham gia việc nhà, hơn nữa cũng do con quá bận với lịch học liên miên. Tuy nhiên, gần đây chị giật mình nhìn nhận lại cách dạy con của mình khi thấy con quá…tồ. Chị Lệ tâm sự: “Tôi trồng trên sân thượng một ít hoa, cây cảnh, rau thơm…, bao gồm cả một cây chanh. Có lần tôi luộc thịt gà nên sai con lên sân thượng hái lá chanh. Con hăng hái trèo lên, một lúc sau lò dò xuống tay không rồi bẽn lẽn hỏi: “Mẹ ơi cây chanh là cây nào?”. Sau đó tôi còn phát hiện con không hề nhận biết được các loại rau mà nhà mình vẫn thường xuyên ăn, trừ rau muống. Mà ngay cả với rau muống, con cũng không biết phải xử lý thế nào để đùng được, vì khi sai con nhặt rau thì con ngắt lấy lá, bỏ đi tất cả phần cuống”.
Sự “tồ tệch” của cô con gái chị Lệ không phải là hiện tượng cá biệt. Khi được hỏi vấn đề này, ngay lập tức rất nhiều phụ huynh đưa ra những bằng chứng cho thấy con mình…ngớ ngẩn! Chị Hiền tổ 15, P.Phúc Đồng, Q.Long Biên kể: “Có lần cả hai vợ chồng tôi về muộn, bà nội các cháu lại đi vắng nên tôi gọi điện về nhà bảo con trai (đang học lớp 12) tự cắm cơm, nấu canh, còn thức ăn thì đã có sẵn trong tủ lạnh. Thế là tối hôm đó cả nhà tôi được ăn món canh… nhả bã. Chẳng là cháu cứ cho cả mớ rau mồng tơi (chưa nhặt) vào chậu rửa, rồi thái khúc rồi cho vào nồi”.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội cho biết, nhiều em học sinh lớp 12 không phân biệt được thịt gà với thịt vịt, thịt ngan. Với các em cứ thịt gia cầm là “gà” hết.
Gặp khó khăn chỉ biết... khóc
Theo nhiều phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia, trẻ em ngày nay không chỉ đoảng và vụng về trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn khá máy móc và thụ động khi đối mặt với những tình huống bất thường. Anh Tuấn, phụ huynh của một học sinh lớp 11 khối chuyên lý Trường THPT Hà Nội Amsterdam kể: “Bình thường con tôi là một đứa hoạt bát, khá lợi khẩu, giỏi công nghệ thông tin, am hiểu các vấn đề lịch sử - xã hội nên tôi khá bất ngờ khi con rất… ngờ nghệch. Hè vừa rồi, con đi học thêm về thì bị hỏng xe đạp dọc đường. Cháu đã dẫn bộ chiếc xe về nhà suốt quãng đường hơn 1 km, trong khi túi có tiền. Nhìn mặt mũi cháu đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà tôi phải kìm không cáu. Tôi giảng giải rằng lẽ ra ngay khi hỏng xe thì phải tìm một hàng sửa xe gần nhất để sửa, hoặc cùng lắm là gọi điện cho bố mẹ để nhờ tư vấn hướng xử lý”.
Cô Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định cũng than phiền, nhiều khi học sinh của mình không chỉ vụng về trong sinh hoạt, trong cư xử mà còn tỏ ra rất thiếu hiểu biết. Chẳng hạn, có hôm cô thấy một nhóm em lớp 11 vừa ôm mặt rồi rú lên, vừa chạy dạt đi tứ phía. Hóa ra có một bạn bị dị ứng, nổi mày đay khắp mặt và người. Về sau các em giải thích là sợ bị… lây. Ngoài ra, thái độ sống thụ động, dựa dẫm cũng khá phổ biến: “Qua kỳ tuyển sinh ĐH vừa rồi cho thấy nhiều em đi nộp hay rút hồ sơ không dám tự đi một mình, cứ phải có bố mẹ hoặc anh chị đi cùng. Có em tự đi, nhưng gặp tình huống khác thường (chẳng hạn như không thấy tên mình trong danh sách do đến nhầm địa điểm thi) là hốt hoảng mếu máo gọi cho cô giáo chủ nhiệm”, cô Tới nhận xét.
Theo bà Hoàng Tây Ninh, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) thì thực trạng kỹ năng sống của học sinh còn yếu kém hiện là một thách thức cho các nhà giáo dục. Không chỉ học sinh thành phố mà các em sinh ra và lớn lên ở nông thôn ngày nay cũng rất “tồ”. Kết quả khảo sát của thầy Trần Đình Trợ, giáo viên Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh cho thấy: trong số 45 học sinh lớp 12 có học lực khá giỏi thì chỉ có 15 em biết nấu cơm (nhưng cũng chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình), 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát. 45/45 đi học bằng xe đạp nhưng chỉ 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp, và không có em nào biết sửa xe… (Còn tiếp)
Kỹ năng sống là gì?
Theo ông Đoàn Anh Tuấn, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, hiện nay định nghĩa kỹ năng sống khá đa dạng, tùy thuộc từng quốc gia, từng tổ chức. Tuy nhiên, tất cả định nghĩa đều khởi nguồn từ yếu tố cơ bản đầu tiên: năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Ở một định nghĩa đầy đủ hơn thì kỹ năng sống là tập hợp nhiều kỹ năng về tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và tích cực.
|
Bình luận (0)