Kính gửi các bậc cha mẹ!
Tôi viết lá thư này để nói lên những điều mà trẻ con chúng tôi mong muốn từ người lớn, xuất phát từ chính trải nghiệm cuộc đời của cậu bé mười hai tuổi, là tôi.
Nuôi dưỡng để con trẻ phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần là một công việc không dễ dàng của các bậc cha mẹ - Ảnh: Kim Loan |
Tất nhiên không phải mọi đứa trẻ đều có ý nghĩ như tôi nhưng tôi tin rằng phần đông các bạn trẻ cùng trang lứa sẽ đồng cảm với những gì tôi đang nói đến.
Điều đầu tiên, mọi đứa trẻ đều muốn được sự khuyến khích cho những thứ chúng tôi đang cố gắng để đạt được. Tất nhiên ở mỗi gia đình, mỗi cha mẹ sẽ có một cách riêng để khuyến khích con mình. Ví dụ, mỗi lần tôi khoe kết quả tốt ở trường ba mẹ tôi thường khích lệ tôi bằng những lời khen, ba mẹ thường ôm hôn tôi. Những nụ cười thật tươi của họ khiến tôi tự hào về bản thân mình. Nhưng đôi khi họ cũng hay nói đùa và những câu đùa đó có thể làm cho tôi cảm thấy tổn thương. Đối với một vài đứa trẻ, những câu nói đùa sẽ luôn luôn là những câu nói đùa nhưng cũng có những đứa trẻ sẽ cảm thấy tệ vì họ không nghĩ người lớn đang đùa. Ví dụ như khi tôi học lớp năm, tôi đã bị cả nhà cười nhạo khi tôi khoe đạt 100/100 điểm cho một bài kiểm tra quá đơn giản. Bình thường, tôi cũng không mấy quan tâm vì tôi biết họ chỉ đùa thôi nhưng hôm đó tôi vừa trải qua một ngày không vui, những lời nói đùa không đúng đã làm tôi tức giận và buồn bã. Tôi mong rằng cha mẹ có thể biết lúc nào trẻ con chúng tôi cảm thấy ổn khi cha mẹ đùa.
Điều thứ hai, hãy lắng nghe tiếng nói của con trẻ. Tôi rất may mắn khi có được một người mẹ luôn lắng nghe những gì tôi nói và chỉ bảo cho tôi biết điều gì đúng, điều gì sai. Nhưng tôi biết rằng có nhiều bố mẹ chẳng mấy khi dành thời gian lắng nghe con mình để hiểu chúng nghĩ gì, muốn gì. Tuy rằng chúng tôi còn bé nhưng xin cha mẹ hãy nghe những lời chúng tôi nói. Lắng nghe những gì chúng tôi nói có thể giúp chúng tôi hiểu rằng mình được quan tâm, được yêu thương, chia sẻ.
|
Điều thứ ba, đừng kiểm soát trẻ con quá khắt khe cũng đừng quá nuông chiều. Nhiều cha mẹ có cách suy nghĩ rất lạ. Họ nghĩ rằng khi họ cho con của họ ít tự do hơn thì họ có thể kiểm soát được con của họ tốt hơn. Nhưng tôi muốn nói với những bậc cha mẹ có lối nghĩ như vậy rằng trẻ con muốn sự tự do của họ. Không có sự tự do riêng nhất định sẽ làm chúng tôi bức bối, gò bó và rất dễ dẫn đến nổi loạn. Ngược lại. nhiều cha mẹ lại quá nuông chiều con cái (hoặc chỉ muốn rảnh tay, giao cho con ipad, iphone là xong) để chúng hoàn toàn tự do với thế giới internet, với các trò chơi trên mạng mà không để ý xem liệu những trang web con mình xem có phù hợp không, những trò chơi chúng chơi có độc hại không… Ngoài ra, cũng do được nuông chiều mà có nhiều bạn trẻ mười mấy tuổi, có khi học tới đại học còn chưa biết nấu ăn, chưa biết làm việc nhà.
Tôi giống như bao đứa trẻ khác, muốn được vui vẻ chơi suốt ngày và tất nhiên tôi cũng muốn được làm tất cả mọi thứ theo ý mình thích. Tôi biết rằng chẳng ai có thể có được tất cả mọi thứ và càng lớn lên tôi càng quen với suy nghĩ đó. Nhưng mẹ tôi lại chọn để cho tôi có tất cả sự tự do tôi muốn nhưng không biến tôi trở thành một đứa bé được nuông chiều quá mức. Và điều đó đi chung với việc mẹ tôi biết khi nào cần dừng lại. Tôi được tự do những điều mình thích như nghe nhạc, nhảy nhót, xem youtube, chơi games, đọc truyện, chụp ảnh, đi xem phim hay đi chơi với đám bạn… như là phần thưởng cho việc tôi hoàn thành bài tập, làm tốt mọi việc của tôi trong nhà như rửa bát, hút bụi, dọn dẹp nhà, đổ rác, phơi quần áo, gấp quần áo...
Điều thứ tư, tôi mong tất cả các ông bố bà mẹ trên đời này nếu vào một ngày xấu trời nào đó các vị gặp chuyện không vui bên ngoài như tắc đường, lỡ cuộc họp quan trọng, ra một quyết định sai lầm hay đơn giản chỉ là tâm trạng không tốt thì làm ơn xin đừng trút những bực dọc đó lên đầu chúng tôi. Ai mà chẳng từng mắc lỗi, kể cả cha mẹ. Vậy nên hãy nhẹ lòng tha thứ cho mình hoặc sửa lỗi, nếu có thể, chứ đừng vô cớ mắng mỏ quát nạt chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất khó hiểu khi vô cớ bị trách mắng, xin đừng đặt gánh nặng lên vai chúng tôi.
Một vài lời chia sẽ với các bậc cha mẹ và mong rằng quý vị sẽ đọc và hiểu hơn những mong muốn của trẻ con chúng tôi.
Kính mến!
Bình luận (0)