Sáng nay, 12.9, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM đã tập trung ở sân trường, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại sau cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra. Những hình ảnh học sinh ôm heo đất mình tiết kiệm đã lâu tới ủng hộ, hay nhiều em khệ nệ ôm các thùng mì, bánh, sữa, tập vở... tới để ủng hộ những bạn học sinh, bà con vùng bão lũ khiến các thầy cô xúc động.
Cô Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết trong buổi sáng nay, nhà trường đã quyên góp được tổng cộng hiện kim là 108.705.000 đồng; hiện vật gồm có 54 thùng mì gói; 185 cuốn tập; 60 bếp gas mini; 208 bình gas mini, 20 hộp bánh quy; nhiều phần sữa và bánh tươi.
"Nhà trường vẫn để thùng quà ủng hộ trên sân khấu và tiếp tục nhận sự ủng hộ, quyên góp cho bà con miền Bắc từ các em học sinh, cha mẹ học sinh tới ngày 16.9. Toàn bộ các phần quà ủng hộ, hiện kim, hiện vật này được bộ phận tiếp nhận của trường (gồm Công đoàn, Chi đoàn, Liên đội, cha mẹ học sinh) gửi về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nguyễn Cư Trinh để gửi tặng đồng bào miền Bắc", cô Lê Thanh Hương chia sẻ.
Trước đó ngày 10.9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã có công văn về việc ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, gửi tới các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân trên địa bàn TP.HCM.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM sẽ tổ chức lễ phát động đợt vận động và tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra năm 2024 vào chiều nay, lúc 15 giờ 30, ngày 12.9, tại trụ sở cơ quan, số 55 Mạc Đĩnh Chi, Q.1. Đây là truyền thống về tình dân tộc, nghĩa đồng bào và tinh thần "TP.HCM cùng cả nước, vì cả nước".
Hiện nay, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tại nhiều trường học ở TP.HCM, nhiều em học sinh, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh cũng ủng hộ bà con miền Bắc bằng tiền mặt hoặc các nhu yếu phẩm.
Như sáng qua, 11.9, hai em Từ Đăng Nguyên và Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi, học sinh Trường THCS Kiến Thiết, Q.3 đã có mặt tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM với hai con heo đất trên tay. Đây là những phần tiền hai bạn học sinh tiết kiệm được, là món quà nhỏ gửi tới những bạn học sinh, những bà con đang gặp muôn trùng khó khăn từ bão, lũ, sạt lở đất sau bão số 3 ở miền Bắc.
Hướng về miền Bắc: Lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào sau bão số 3
Các em ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất trân trọng
Chiều qua, 11.9, Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức lễ phát động ngành giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ đã và đang phải trải qua những ngày đặc biệt khó khăn do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3 - cơn bão có cường độ và sức tàn phá được đánh giá là lớn nhất trong nhiều chục năm qua.
"Ngay thời điểm này, khi chúng ta đang ngồi đây thì mưa lớn, ngập lụt, sạt lở vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương; nhiều nơi đang bề bộn trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục để sớm ổn định cuộc sống. Thiệt hại cho tới thời điểm này là chưa thể đo đếm được; thời gian để khắc phục cũng chưa thể tính toán được cụ thể...", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành giáo dục, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng.
"Bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ cuốn vở, quyển sách hay bằng tiền mặt, đồ dùng cá nhân… vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng. Các hoạt động hỗ trợ có thể gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam hoặc trực tiếp tới địa phương, trường học, gia đình các giáo viên, học sinh chịu thiệt thòi do bão lũ gây ra", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lưu ý, ngay sau lễ phát động quyên góp này, việc chuyển hỗ trợ đến tay các đối tượng được hỗ trợ càng nhanh càng tốt. Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ con người. Trước hết là dành cho giáo viên và học sinh. Đó là các nhà giáo bị thiệt hại, khó khăn về điều kiện ăn ở, phương tiện đi lại; là các em học sinh nếu không có hỗ trợ không thể đến trường…
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tuyên truyền về việc hỗ trợ, đóng góp, kể cả với các em học sinh. Theo Bộ trưởng, dẫu các em ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần chia sẻ cần phải làm...
Bình luận (0)