Học sinh vào 10 tăng vọt, phụ huynh Hà Nội phải chi tiền 'giữ chỗ' trường tư

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/06/2022 19:54 GMT+7

Số học sinh (HS) dự tuyển vào lớp 10 năm nay tăng mạnh khiến các trường tư tuyển sinh sớm cũng nhanh chóng kín chỗ nên nhiều phụ huynh phải chấp nhận đóng phí giữ chỗ.

Nhiều trường tư sớm thông báo “hết chỗ”

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường ngoài công lập được áp dụng phương thức xét tuyển học bạ THCS hoặc điểm thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022 - 2023 do Sở tổ chức (ngày 18 - 19.6) để tuyển sinh vào lớp 10. Thực tế, phần lớn các trường đều áp dụng cả 2 phương thức này để tuyển.

Phụ huynh nộp "đăng ký xét tuyển" vào lớp 10 Trường Tạ Quang Bửu

Trường Tạ Quang Bửu

Năm nay, Trường THPT FPT Hà Nội thông báo tuyển 750 chỉ tiêu theo các phương thức gồm: xét tuyển bằng học bạ 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ của 3 kỳ liên tiếp trong năm lớp 8 và lớp 9; xét tuyển bằng thành tích học tập hoặc xét theo điểm thi vào 10 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức.

Ngày 1.6, phụ huynh nhận được thông báo tuyển sinh vào lớp 10 của trường. Tuy nhiên, đến tối 2.6, chỉ sau hơn 1 ngày, nhà trường đã tạm dừng nhận hồ sơ đăng ký nhập học vì đã tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng vì chưa kịp nộp hồ sơ và phí “giữ chỗ” vì không lường trước tình huống năm nay việc kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển lại chóng vánh như vậy, đành chờ kết quả thi để xét tuyển đợt sau.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm dự kiến tuyển 720 học sinh lớp 10 dựa vào điểm thi vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội hoặc xét học bạ THCS. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, trường cũng phải đưa ra thông báo dừng tuyển thẳng bằng hình thức xét tuyển học bạ do đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời cũng dừng xác nhận thủ tục nhập học sớm. Với số lượng chỉ tiêu còn lại, trường tiếp tục phát hành hồ sơ tuyển sinh dựa trên kết quả thi lớp 10 của Sở.

Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp đến nay đã cơ bản hoàn thành xong việc tuyển sinh vào lớp 10. Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trước đó trường đã tổ chức 5 đợt kiểm tra để xét tuyển vào lớp 10. Chỉ tiêu là 405, đến nay 420 học sinh đã nhập học nên nhà trường đã đóng cổng nộp hồ sơ trực tuyến.

“Tuy nhiên, trường cũng dự kiến trong số này sẽ có khoảng 20 - 30 học sinh sau khi thi đỗ vào các trường chuyên hoặc các trường THPT công lập, sẽ rút hồ sơ và chuyển đi. Do đó, nhà trường dự kiến dành khoảng 20 - 30 chỉ tiêu bổ sung để xét tuyển dựa trên kết quả thi vào 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội”, ông Tùng cho hay.

Theo ghi nhận, nhiều trường đưa ra tiêu chuẩn xét tuyển rõ ràng và tiếp nhận hồ sơ nhập học đủ tiêu chuẩn với mức học phí hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, và cảnh báo phuynh cân nhắc kỹ vì khoản phí nộp cùng hồ sơ nhập học này sẽ không được trả lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn nộp và cho biết nếu con trúng tuyển vào trường tốt hơn thì sẵn sàng chấp nhận “mất cọc”.

Chưa biết điểm đã thu phí xét tuyển

Nếu phần lớn các trường tư đều thu một khoản phí khi phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ hoặc hồ sơ đã trúng tuyển thì một số trường có cách tuyển sinh khá lạ, đó là thu lệ phí xét tuyển, dù thực tế chưa có gì để xét. Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu tuyển sinh dựa trên điểm thi của học sinh trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Mức điểm chuẩn sẽ được nhà trường đưa ra sau khi Sở công bố kết quả thi. Trường này cũng không công bố phương án tuyển sinh xét tuyển học bạ THCS. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hành hồ sơ, khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chưa diễn ra thì trường đã tiếp nhận đơn đăng ký xét tuyển của học sinh với mức lệ phí 500.000 đồng/học sinh. Đại diện nhà trường cho biết đến nay đã có hơn 2.000 đơn xét tuyển đã thu về.

Nhiều phụ huynh “hồ hởi” nộp đơn xét tuyển vào trường này với mức lệ phí 500.000 đồng và rỉ tai nhau là khi có điểm chuẩn thì học sinh đã nộp đơn trước sẽ được “ưu tiên” hơn. Nhưng nhiều phụ huynh khác thì bày tỏ sự bất bình, khó hiểu về khoản thu “lệ phí xét tuyển” này khi mà điểm thi chưa có, nhà trường cũng không xét tuyển học bạ thì căn cứ gì để thu phí của học sinh một khoản tiền như vậy? Với 1 học sinh thì khoản tiền có thể không lớn, nhưng với hơn 2.000 học sinh thì số tiền “xét tuyển” mà trường này thu về đã hơn 1 tỉ đồng.

Một phụ huynh phân tích: “Đây là một khoản tiền rất mơ hồ, dù bây giờ tôi nộp đơn và lệ phí xét tuyển nhưng nếu đến khi thi con tôi được điểm thấp thì cháu vẫn không được nhận vào trường và lệ phí xét tuyển là không để làm gì cả. Vì thế việc thu trước 500.000 đồng của trường rất khó chấp nhận”, phụ huynh này nói.

Trong khi đó, mùa tuyển sinh năm nào cũng vậy, Trường Marie Curie Hà Nội là trường tư thục hiếm hoi luôn thông báo rõ: “Sau khi nhập học lớp 10 cho con, nếu có cơ hội khác phù hợp hơn, cha mẹ học sinh có thể rút toàn bộ hồ sơ trúng tuyển và các khoản kinh phí đã nộp”.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, thẳng thắn nêu quan điểm: “Việc gây khó khăn khi cha mẹ hồ rút hồ sơ bằng cách giữ lại tiền không phải là cách tốt, thậm chí làm tổn hại đến uy tín của trường”.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về việc các trường tư thu lệ phí, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng việc này không mới và Sở đã chỉ đạo nhiều lần. Về lý, trường công hay trường tư thục đều nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân và phải tuân thủ các quy định mang tính pháp lý. Theo ông Tiến, mục 14 Nghị định 69 năm 2018 của Chính phủ quy định các khoản thu, của trường tư gồm 5 khoản, nhưng không có khoản nào là phí đặt chỗ hay phí ghi danh cả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.