Học sinh xem công cụ AI là 'người thầy thứ hai'

12/07/2024 07:05 GMT+7

Sau thuở bỡ ngỡ làm quen, trí tuệ nhân tạo đang trở thành công cụ 'bất ly thân' với nhiều học sinh trong quá trình học tập, phát triển bản thân cũng như xét tuyển vào các trường ĐH.

TÌM Ý TƯỞNG VIẾT LUẬN, GIẢI ĐỀ TOÁN

Bắt đầu tìm hiểu các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) từ đầu năm 2022, từ không biết nên nhập lệnh ra sao để AI có thể làm theo ý mình, đến nay Nguyễn Hoàng Linh, học sinh (HS) Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), đã có thể dùng sành sỏi ChatGPT (AI có thể tương tác với người dùng dưới dạng hội thoại) để hỗ trợ học tập, "với những câu trả lời có tỷ lệ chính xác khá cao".

"AI giống như một "người thầy thứ hai" của em khi có thể trả lời các câu hỏi ở mọi lĩnh vực từ xã hội đến tự nhiên, từ môn thường đến môn chuyên. Nó thậm chí có thể giải đề toán hay hóa và đưa ra hướng dẫn giải ở từng bước nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở để em tham khảo, từ đó có thể trao đổi với thầy cô trên lớp hoặc để hiểu rõ hơn lời thầy cô giảng", Nguyễn Hoàng Linh nhận xét.

Nguyễn Ngọc Khánh Uyên, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho hay em dùng "AI trong AI" để hỗ trợ tốt nhất việc học của mình. Chẳng hạn, từ một bài đọc tiếng Hàn, Uyên sẽ nhờ ChatGPT làm thành một bảng từ vựng, sau đó sao chép vào các ứng dụng học ngoại ngữ như Quizlet, Knowt để tự học, thay vì phải ngồi gõ lại từng từ một. "Em bắt đầu sử dụng AI từ đầu năm học trước và hầu như không gặp khó gì khi sử dụng. Chủ yếu mình phải hiểu rõ mục đích để nhập chính xác câu lệnh cho AI", Uyên chia sẻ.

Học sinh xem công cụ AI là 'người thầy thứ hai'- Ảnh 1.

Học sinh xem công cụ AI là 'người thầy thứ hai'- Ảnh 2.
Học sinh xem công cụ AI là 'người thầy thứ hai'- Ảnh 3.

Các công cụ AI mà học sinh sử dụng trong học tập

CHỤP MÀN HÌNH

"Mới đây, ứng dụng Notion đã cập nhật thêm chức năng cho phép nhập lệnh như ChatGPT, ngoài ra còn có nhiều phím tắt hỗ trợ cải thiện bài viết hoặc kiểm tra chính tả cho em. Điểm trừ của những công cụ AI này là hơi khó dùng nên phải chịu khó mày mò", nữ sinh cho biết thêm.

Theo Nguyễn Ngọc Khánh Uyên, một điểm đặc biệt trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là HS phải viết nghị luận dựa trên các văn bản ngoài sách giáo khoa (SGK). Điều này khiến các em gặp không ít khó khăn vì không còn những bài văn mẫu để tham khảo như trước. "Thế nên, AI có thể đưa ra những ý tưởng để tụi em tham khảo. Nhiều bạn lớp em thậm chí còn đầu tư mua AI bản trả phí", Uyên kể.

Một ứng dụng phổ biến khác của AI là hỗ trợ HS các ý tưởng để viết luận nộp xét tuyển vào trường ĐH trong và ngoài nước, theo Hồ Thị Yến Như, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). "Ngoài ra, để hỗ trợ các hoạt động học tập như thuyết trình, làm dự án…, em cũng dùng đến các ứng dụng như Canva (công cụ thiết kế đồ họa có tích hợp AI), Capcut (có khả năng chuyển văn bản thành video AI) và cả Google Docs, Google Sheets (hiện đều tích hợp AI)", Như chia sẻ.

LUYỆN THI TIẾNG ANH, BÀI TẬP MÔN XÃ HỘI

Phan Phương Thanh, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết thay vì lên Google tìm và lọc những nội dung liên quan như trước đây, hiện em đều đặt câu hỏi cho ChatGPT. "Em hay dùng ChatGPT cho những bài tập nặng lý thuyết như môn lịch sử và giáo dục quốc phòng hay cho các câu hỏi xã hội, cách ứng xử... của môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp", Thanh kể.

"Em phải trả phí cho ChatGPT để sử dụng hiệu quả nhất. Bạn bè quanh em cũng thường dùng AI, trong đó có bạn sử dụng Gemini (AI của Google) để luyện thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS", nữ sinh kể thêm.

Sử dụng thường xuyên là thế, song Thanh cũng nhận định đa số câu trả lời của ChatGPT em chỉ dùng để tham khảo. "Em lấy kết quả từ AI làm ý chính rồi dựa vào đó tìm hiểu thêm. Như ở môn lịch sử, khi hỏi AI năm 938 có sự kiện gì, em sẽ dựa trên kết quả nhận được để nghiên cứu chi tiết nguyên nhân, diễn biến, kết quả, từ đó hoàn thành bài tập của mình", nữ sinh ví dụ.

Phạm Gia Linh, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết em chỉ sử dụng 50 - 70% kết quả do AI đưa ra vì sợ bị lệ thuộc vào công cụ này. "Đó sẽ là những gợi ý em dựa vào để tiếp tục tìm hiểu thêm. Chưa kể không phải lúc nào kết quả AI đưa ra cũng chính xác 100% vì người dùng có thể can thiệp vào dữ liệu của AI", Linh nhận định.

GIÁO VIÊN CŨNG DÙNG AI

Thầy Trần Lê Vĩnh Phúc, giáo viên (GV) toán tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP (TP.HCM), cho hay với môn toán, công cụ AI được HS sử dụng nhiều nhất là Quanda. "Chỉ cần chụp ảnh câu hỏi, hệ thống sẽ tự động tra cứu và truy xuất lời giải từ thư viện khổng lồ để gửi cho người dùng. Ưu điểm là tiết kiệm thời gian, giúp HS giải đáp những câu hỏi khó. Song điều đó cũng làm hạn chế khả năng suy nghĩ, tính kiên trì. Chưa kể, có nhiều bài giải còn sai kiến thức và gây hiểu nhầm cho HS", thầy Phúc nói.

Theo thầy Phúc, đối với chương trình Giáo dục phổ thông mới, một trong những tiêu chí cần đạt là giúp HS hoàn thiện năng lực sử dụng phương tiện, công cụ học toán. Thế nên SGK đã đưa vào giảng dạy cho HS các phần mềm thông dụng như Geogebra. "Tuy nhiên AI vẫn chưa được nhắc đến ở môn toán. Hy vọng các ứng dụng của AI sẽ sớm xuất hiện trong chương trình SGK", thầy Phúc chia sẻ.

Học sinh xem công cụ AI là 'người thầy thứ hai'- Ảnh 4.

Sử dụng công cụ AI cho việc dạy, học đã trở nên phổ biến với giáo viên và học sinh hiện nay

CHỤP MÀN HÌNH

Ở một khía cạnh khác, không chỉ HS biết dùng AI mà GV cũng đang dần thích ứng với công cụ này. Như với thầy Phúc, để soạn bài dạy, thầy dùng Latex, một công cụ soạn thảo văn bản chuyên dụng cho toán với các hình vẽ, công thức thực hiện bằng code. "Vì có quá nhiều code nên không thể nhớ được, tôi hay hỏi ChatGPT để tiết kiệm thời gian", thầy Phúc kể.

Thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc phát triển và học thuật Trung tâm Anh ngữ Origins Language Academy (TP.HCM), nhận định xu hướng dùng AI hiện phổ biến ở các TP lớn và với GV trẻ. Không dừng ở việc soạn bài, GV đang ngày càng tận dụng AI cho những công tác chuyên sâu hơn như tạo ra ngữ liệu để HS ôn tập, hoặc tạo đề thi theo ma trận của Bộ GD-ĐT.

Một ứng dụng khác từ AI, theo thầy Minh, là hỗ trợ bồi dưỡng HS giỏi, nhất là ở những môn ngoại ngữ như tiếng Anh. Trước đây, việc đào tạo kỹ năng nói, viết chủ yếu đến từ năng lực tích cóp lâu dài của GV, HS. "Nhưng từ khi có AI, "cuộc chơi" đã thay đổi nhờ việc tạo ra bài mẫu tốt và chuẩn hơn, cũng như hỗ trợ GV định hướng tốt hơn cách diễn đạt cho học trò", thầy Minh nhận định.

Theo thạc sĩ Minh, việc HS ngày càng hứng thú với AI không đồng nghĩa sẽ gia tăng gian lận học thuật. Một lý do chính là vì các bài thi trên lớp hiện đều xoay quanh giấy trắng mực đen và phải thi trực tiếp, chứ không có cơ hội làm tiểu luận như ở bậc ĐH, thầy Minh phân tích.

Lãnh đạo một trường THPT tại TP.HCM cũng nhận định tại đơn vị của ông, hầu hết GV có ứng dụng AI trong hoạt động sư phạm là thầy cô trẻ tuổi, ở các khía cạnh như thiết kế bài dạy, soạn giáo án điện tử và cung cấp các nội dung hỗ trợ giảng dạy như văn bản, hình ảnh và video. "Không chỉ tiết kiệm thời gian, AI còn giúp thầy cô phân tích dữ liệu học tập của HS để có sự điều chỉnh phù hợp", thầy đánh giá.

TP.HCM dự kiến dạy AI đại trà cho học sinh

Một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được UBND TP.HCM nêu ra trong kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI năm 2024 là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI. Trong đó, UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai các đề án, đề tài về tổ chức nội dung giảng dạy AI cho HS; giải pháp đào tạo chuyển giao công nghệ, tập huấn GV dạy môn học AI - Robotics.

Về phía ngành giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT cho hay đã đặt hàng Trường ĐH Sài Gòn xây dựng đề tài khoa học: Xây dựng nội dung giảng dạy AI cho HS phổ thông TP.HCM. Trong đó, đơn vị thực hiện xây dựng nội dung tổng quát giảng dạy AI cho HS từ lớp 3. Nếu đề án được thông qua theo đúng tiến độ, từ năm học 2024 - 2025, TP.HCM có thể đưa AI vào giảng dạy trong trường phổ thông một cách đại trà.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.