Học trò kinh doanh

26/12/2013 13:05 GMT+7

Rất chuyên nghiệp, Phi Tú bật iPad lên, chìa cho khách xem hình ảnh và bắt đầu giới thiệu sản phẩm của mình. Chẳng có gì lạ nếu như anh chàng bán hàng lịch thiệp, năng động này không phải là... cậu học trò 16 tuổi.

 Học trò kinh doanh
 Võ Huỳnh Phi Tú đang dùng iPad giới thiệu sản phẩm - Ảnh: N.T

Võ Huỳnh Phi Tú, lớp 11TA1 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) chỉ là một điển hình cho không ít học sinh hiện nay tập tễnh bước vào con đường kinh doanh khi đang còn học trung học.

Đi tìm trải nghiệm

Từng bước tự lập để cha mẹ bớt nhọc nhằn, bản thân được chi tiêu thoải mái hơn và muốn có những trải nghiệm sớm nhằm chuẩn bị cho ngày bước vào đời..., đó là ước muốn của những học trò tuổi mới lớn này.

Phi Tú bắt đầu bước vào con đường kinh doanh chỉ mới vài tháng, khi người chị mở một shop bán áo quần, nón, ba lô cho học sinh, sinh viên. Nếu giới thiệu được bạn bè mua áo quần (khoảng dưới 100.000 đồng/cái), Tú sẽ được chị thưởng 20%. “Mỗi tháng, mình được chia tiền lời cũng hơn 500.000 đồng/tháng”, Tú cho biết.

 

Học trò kinh doanh, nên hay không ?

Cô Cao Mỹ Cân, mẹ của Thùy Trang bán đồ handmade, nói: “Tôi nghĩ, việc kinh doanh ở lứa tuổi cấp 3 sẽ giúp con biết quý trọng đồng tiền hơn. Điều quan trọng là không được để ảnh hưởng đến chuyện học”.

Còn cô Trần Phi Ngân, giáo viên Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5), bày tỏ: “Theo tôi, lứa tuổi cấp 2, và thậm chí lớp 10, 11 không nên kinh doanh vì kiến thức cũng như hiểu biết xã hội chưa đủ để “đề kháng” với những cám dỗ đồng tiền. Lớp 12 đã tương đối trưởng thành, trong chừng mực nào đó, việc kinh doanh sẽ giúp các em có thêm kinh nghiệm trước khi bước vào đời”.

Trong khi đó, dù cũng chỉ 16 tuổi nhưng Nguyễn Cao Thùy Trang, lớp 11A12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) cùng người bạn là Trương Cao Hoàng (Trường THPT Bùi Thị Xuân) đã có thâm niên gần hai năm kinh doanh phụ kiện trang sức nhỏ xinh do chính bạn tự làm: bao điện thoại, móc khóa, vòng tay... Học chung cấp 2 và có cùng sở thích mày mò tự làm những món đồ handmade (làm bằng tay), thấy bạn bè xung quanh thích, nên ngay từ hè năm lớp 9, Trang và Hoàng đã dùng số tiền dành dụm của mình hùn lại được hơn 500.000 đồng để “đầu tư kinh doanh”. Đầu tiên hai bạn lên mạng xem mẫu, sau đó tự chế ra nhiều kiểu khác nhau. Vòng tay (đan bằng chỉ) do Trang làm; Hoàng có khiếu vẽ nên chế móc khóa bằng vải nỉ.

Nhạy bén hơn, Lê Phương Thúy, lớp 11D4 Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) thấy nhu cầu làm đẹp của tuổi học trò rất cao nên quyết định bán mỹ phẩm dưỡng da thiên nhiên.

Bài học ngoài cửa lớp

Ngoài thời gian học, Thúy phải quay cuồng với việc làm hàng mới, đi giao hàng... Để nhiều người biết đến hơn, Thúy còn tạo một cửa hàng trên Facebook, đưa hình sản phẩm lên. Không những thế, bạn còn biết chăm chút “bao bì”: lùng mua những chai, hũ đẹp (giá có khi chiếm 1/4 giá thành sản phẩm), thắt thêm một cánh nơ xinh xắn bằng dây thừng... Bạn nào sử dụng xong, trả lại chai sẽ được giảm giá. “Hồi trước, mỗi ngày mẹ đều cho tiền xài nên cũng vô tư không nghĩ ngợi gì. Tự kinh doanh như vầy mình mới thấy quý đồng tiền, quý sức lao động hơn”, Thúy tâm sự.

Đối với Phi Tú, việc buôn bán giúp bạn năng động hơn. Có lợi thế còn đang đi học nên Tú giữ nhiệm vụ nắm xu hướng, thị hiếu của giới học trò. Ngoài việc hỏi thăm về sở thích, nhu cầu của bạn bè trong trường, Tú còn tham khảo thêm thị hiếu tuổi mới lớn từ báo Mực Tím, Hoa Học Trò... để nói chị “đánh hàng” về bán. Hàng bán chưa hết thì mang đến chợ phiên tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1) một lần/tháng, hoặc ngày hội mua sắm Sale Hunter (Q.Phú Nhuận)... “Mình phải lên mạng tìm đọc cách phối đồ sao cho đẹp, mẹo giữ đồ luôn mới và bền để tư vấn thêm cho khách hàng”, Tú bật mí.

Nguyễn Tập

>> Ước mơ của cậu học trò đan rổ
>> Học trò tương trợ
>> Tình yêu tuổi học trò
>> Ngộ nghĩnh tuổi học trò

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.