(TNO) Từ thực tế tình hình cháy nổ diễn ra liên tục trong đời sống, cậu học trò Lê Ngô Duy Phong (học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) đã nảy ra ý tưởng và sáng chế thành công hệ thống báo cháy tự động qua internet.
Lê Ngô Duy Phong kiểm tra những bộ phận bên trong thiết bị |
Đề tài này đã đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho học sinh cấp tỉnh và quốc gia. Trong đó, hệ thống báo cháy tự động qua internet này vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên-Huế; giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015; giải ba Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXI năm 2015…
Duy Phong chia sẻ: “Thời gian qua, em thấy rất nhiều vụ cháy diễn ra liên tục. Nhiều vụ cháy lớn do không được phát hiện kịp thời, không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng tính mạng con người. Vì thế, em đã ấp ủ ý tưởng sáng chế đề tài này”.
Theo Phong, thiết bị có 2 phần chính gồm thiết bị báo cháy và phần mềm báo cháy. Hai bộ phận này kết nối với nhau qua internet, hoạt động theo vòng tuần hoàn kín, thực hiện các lệnh kiểm tra điều kiện để phát hiện rò rỉ khí gas và có cháy. Thiết bị báo cháy sẽ kiểm tra liên tục những chỉ số của môi trường như nhiệt độ, khí gas, khói…
Khi phát hiện nồng độ khí gas vượt ngưỡng cho phép, thiết bị sẽ tự động báo bằng còi và tự động khởi động quạt thông gió để đưa lượng khí gas ra ngoài môi trường. Đồng thời, thiết bị cũng sẽ kiểm tra các chỉ số về lượng khói và nhiệt độ. Nếu thông số vượt quá ngưỡng cho phép, thiết bị sẽ đưa ra báo động cho chủ nhà bằng còi và thiết bị sẽ tự động gửi một lệnh đến phần mềm báo cháy. Phần mềm báo cháy sẽ nhận lệnh và tự động định vị vị trí cháy, biểu diễn các thông số của môi trường đo được ở địa điểm cháy. Như vậy, chỉ cần Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) kết nối với phần mềm này thì sẽ dễ dàng phát hiện nơi đang xảy ra cháy và đến hiện trường chữa cháy kịp thời.
Lê Ngô Duy Phong cùng mẹ tại lễ trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015
|
Trong trường hợp hệ thống không được kết nối với internet, thiết bị sẽ tự động khởi động module sim 900A, thực hiện gửi tin nhắn báo cháy kèm mã số đăng ký của thiết bị đến Cảnh sát PCCC tỉnh.
“Tối đa trong vòng 3 giây, thiết bị sẽ chuyển file thông số môi trường đến phần mềm báo cháy. Ngoài ra, thiết bị có thẻ nhớ sẽ lưu thông số đo được trong 24 giờ. Sau một ngày, nếu thông số bình thường, thiết bị sẽ tự hủy thông số và đo mới ngày tiếp theo. Vì thế, thiết bị như “chiếc hộp đen” sẽ góp phần giúp Cảnh sát PCCC tìm ra nguyên nhân cháy nổ qua các thông số còn lưu được. Nếu sản xuất đại trà, kinh phí hoàn thành cho một thiết bị chưa đến 1 triệu đồng”, Duy Phong cho biết.
Đề tài này đã được Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên-Huế thẩm định và xác nhận là sáng tạo hỗ trợ trong công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tính mới, tính khả thi và khả năng ứng dụng cao trong đời sống nhân dân. Đồng thời, nó cũng có thể giúp đỡ lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm soát tình hình cháy nổ qua khả năng quản lý chặt chẽ, khả năng tương tác cao của sản phẩm; giúp đánh giá trực quan các nguyên nhân trước và sau cháy, hỗ trợ các công tác điều tra sau cháy.
Thiết bị báo cháy tự động qua internet
Phần mềm báo cháy |
Ngoài đề tài hệ thống báo cháy tự động qua internet, Duy Phong còn có 2 đề tài khác; gồm: Hệ thống hỗ trợ thi Đường lên đỉnh Olympia và Pischool-Mạng xã hội trường học cũng đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo trên lĩnh vực tin học.
Thầy Nguyễn Qúy Bảo, giáo viên chủ nhiệm của Lê Ngô Duy Phong, cho biết: “Không chỉ là học sinh giỏi nhiều năm liền mà Duy Phong còn rất say mê sáng tạo khoa học kỹ thuật và có nhiều đề tài tiêu biểu. Sáng tạo hệ thống báo cháy tự động qua internet của Duy Phong rất có tính ứng dụng thực tế và được đánh giá cao qua các cuộc thi sáng tạo”.
Bình luận (0)