Được ra khỏi thành phố sau gần 8 tháng ở yên một chỗ vì dịch, lần này tôi nhận lời mời của Trần Đăng Tiến, Trưởng ban phong trào Tỉnh đoàn Tây Ninh, đi trao tặng góc học tập cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Dương Minh Châu.
Lần đầu tiên bé Ngọc có được bộ bàn ghế ngồi học trong căn chòi nhỏ bé giữa lòng hồ Dầu Tiếng |
nguyễn bích |
5 giờ sáng, trời TP.HCM se lạnh, tôi ngồi trong xe lướt nhìn khung cảnh bắt đầu bình minh chào ngày mới. Cuộc sống đã dần được hồi sinh sau những tháng ngày u ám; xe cộ tấp nập, người dân được ra đường tập thể dục và ai nấy đều không quên đeo khẩu trang.
Nhà 4 vách nhưng mới xây được 1,5 tấm vách
Buổi lễ trao góc học tập diễn ra tại Trường tiểu học Suối Đá, điểm ấp Tân Định, H.Dương Minh Châu. Dịch nên tất cả mọi hoạt động đều không được tụ tập trên 20 người, các hàng ghế cho học sinh (HS) cũng phải có khoảng cách theo đúng quy định. Buổi lễ diễn ra nhanh gọn, chưa đầy 30 phút rồi chúng tôi tranh thủ tới thăm 3 em có hoàn cảnh khó khăn nhất huyện.
Đầu tiên, chúng tôi đến thăm một HS lớp 5 đang ở “nhà dần xây”, tức gia đình có tiền đến đâu xây đến đó, nhà 4 vách thì hiện tại mới xây được 1,5 tấm vách, mà ba em chưa có tiền xây tiếp. Chúng tôi phải đi qua những con đường gạch đá lởm chởm. Em đang ở nhà với ba, còn mẹ đang làm mướn. Gọi là nhà chứ thực ra nó chỉ có cái khung và 1,5 tấm vách tường được xây bằng gạch, bên trong có mỗi cái giường ngủ và ít xoong nồi. Mái nhà bằng tôn chỉ mới được lợp một nửa. Tôi chợt nghĩ đến khung cảnh lúc trời mưa gió, cả nhà chỉ có thể nép vào một góc để tránh mưa. Rồi giữa mùa nắng chang chang, cậu HS nhỏ cũng phải ngồi trong căn nhà một nửa mái tôn, một nửa vách tường để miệt mài học bài.
Chúng tôi trao cho em góc học tập gồm một bộ bàn ghế, một cây đèn bàn và một hộp khẩu trang.
Căn chòi lênh đênh trên mặt hồ Dầu Tiếng
Căn nhà tiếp theo cũng của một HS lớp 5. Thật ra nó là căn chòi rách nát giữa dòng hồ thủy điện Dầu Tiếng, một căn chòi lênh đênh trên mặt nước của đôi vợ chồng làm nghề đánh cá và hai đứa con. Cô bé Ngọc ngơ ngác khi thấy mọi người đến thăm và đem theo bộ bàn ghế ngồi học.
Khi đứng trên căn chòi cũ nát kia, chúng tôi mới thấu hiểu thế nào là độ rung lắc của nó, dù bên ngoài thời tiết không hề mưa gió. Gần như chúng tôi phải đứng yên một chỗ, bởi càng đi lại, căn chòi càng lắc mạnh. Chúng tôi nhìn nhau ái ngại, không hiểu tại sao gia đình họ có thể ở được và hằng ngày cô bé ấy ngồi học như thế nào. Những hôm mưa gió, căn chòi chao đảo lắc cực mạnh thì làm sao?
Có lẽ chúng ta không quen với cảnh lênh đênh trên mặt nước, còn với tụi nhỏ, dù thế nào cũng phải sống và bám trụ trên căn chòi kia. Có thể biết đâu mai này nhờ có tri thức mà cuộc sống của tụi nhỏ bớt lắc lư, trôi nổi trên mặt hồ thủy điện Dầu Tiếng?
Mượn điện thoại để học trực tuyến
Hoàn cảnh tiếp theo chúng tôi ghé thăm là một cô bé lớp 5, cha mẹ ly hôn rồi bỏ lại bé cho ông bà ngoại nuôi. Đón chúng tôi sau lớp khẩu trang che kín mặt để bảo đảm sức khỏe do dịch Covid-19 là San San, cô bé có đôi mắt đen nhánh lanh lợi nhưng đượm buồn.
Mùa dịch bệnh phải học trực tuyến mà hai ông bà lại không hề biết chữ và chẳng có điện thoại cho cháu học. Cô bé nhanh trí đi mượn điện thoại nhà hàng xóm về học, hôm mượn nhà này, mai mượn nhà khác, miễn sao nghe được cô giáo giảng bài. Học cuối cấp để chuẩn bị lên lớp 6, nhưng kiến thức thu được ngày có ngày không. Tôi hỏi bé về mơ ước sau này, San San bảo muốn được trở thành bác sĩ. Một ước mơ đẹp, nhưng quá to lớn so với căn nhà đơn sơ được xây bằng tình nghĩa xóm làng và sự hỗ trợ của chính quyền. Chưa kể dịch bệnh kéo dài mà phương tiện hỗ trợ học trực tuyến không hề có, đồng nghĩa với việc ước mơ kia có thể đứt quãng bất cứ lúc nào.
Sau khi chia sẻ câu chuyện này lên Facebook, đã có một bạn hảo tâm liên hệ muốn tặng bé chiếc điện thoại để hỗ trợ học trực tuyến. Ba ngày sau, tôi dẫn bạn quay lại nhà của San San và tận tay trao cho cô bé chiếc điện thoại mới tinh. Vẫn như thường lệ, chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy được mắt nhau qua lớp khẩu trang che kín. Nhưng đâu đó, ánh mắt lanh lợi của cô bé đã vơi bớt đi sự đượm buồn…
Bình luận (0)