Học trực tuyến: Cả lớp hốt hoảng vì tiếng chó sủa vọng qua mic

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/05/2021 17:04 GMT+7

Cả lớp hốt hoảng vì tiếng chó sủa, phụ huynh mời thầy ăn bánh xèo, tiếng rán cá xèo xèo vọng vào mic... là những tình huống khiến cả thầy lẫn trò "không nhịn được cười" khi học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 .

Đủ loại âm thanh, hình ảnh lúc học trực tuyến

Giảng viên Nguyễn Minh Trí, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, kể lại: "Mỗi lần tôi dạy học trực tuyến đều có những tình huống khiến tôi cười hoài, cười không kịp thở. Có lúc, sinh viên đang trả lời câu hỏi của thầy bỗng rộ lên tiếng chó sủa khiến cả lớp giật mình hoảng hốt. Rồi có khi nữ sinh viên đang ăn vặt nhưng quên tắt mic nên cả lớp cứ nghe tiếng nhai chóp chép".
Mới đây, thầy Trí còn được phụ huynh mời ăn bánh xèo trong lúc đang dạy online. "Tôi chợt nghe thấy tiếng phụ huynh hỏi: "Ăn bánh xèo không con?". Nữ sinh liền đáp "con đang học mẹ ơi". Thế là, phụ huynh quay sang hỏi "ăn bánh xèo không thầy ơi" khiến cả lớp cười muốn xỉu", thầy Trí kể lại.
Trong một tình huống "đối phó", thầy Trí đề nghị trả lời câu hỏi thì cả lớp im ru và các em viện cớ mạng internet chậm nên nên không nghe và không nói được. "Lúc đó, tôi độc thoại đúng kiểu tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời. Tuy nhiên, khi tôi điểm danh, học hô to "có có" như thắng trận", thầy Trí nói.

Sinh viên chưa chải đầu, mắt nhắm mắt mở

Trong một số lớp học trực tuyến, giảng viên chứng kiến những cảnh dở khóc dở cười khác như sinh viên chưa chải đầu, mắt nhắm mắt mở, quần áo xộc xệch trên giường ngủ bề bộn....
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn, giảng viên khoa Kế toán - Kiểm toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho hay: "Có một số sinh viên vừa ngủ dậy, chưa kịp chải đầu, vừa ngáp ngủ vừa dụi mắt, quần áo thì xộc xệch, chăn màn thì lung tung nhưng quên tắt camera khiến cả cô và trò đều bật cười".
Còn lớp học online của thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Anh, giảng viên môn phương pháp dạy học ngữ văn Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, được nghe thấy nhiều tiếng động lạ.
"Khi tôi gọi sinh viên trả lời câu hỏi thì nghe tiếng em bé khóc ré lên, thì ra bạn đó đang trông trẻ. Một số sinh viên quên tắt mic, thế là cả lớp nghe tiếng xe máy rè rè, tiếng rán cá xèo xèo trên bếp và cả tiếng chó sủa. Khi xuất hiện trước camera, một số sinh viên chưa chải đầu, mắt nhắm mắt mở", cô Mai Anh kể lại.
Trong một số tình huống lạ lùng khác, sinh viên lọt thỏm trong một căn phòng tối tăm, thậm chí có em vừa cuốc ruộng, làm vườn hay sửa nhà vừa... học trực tuyến nên xin phép giảng viên không bật camera, theo cô Mai Anh.
"Vào giờ học trực tuyến, cô đề nghị phát biểu thì sinh viên im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giờ học, các em thi nhau nhắn tin, gọi điện và đưa ra đủ loại lý do vì sao không phát biểu như: đang đi vệ sinh, đi uống nước, đi trên đường hoặc mic hư", thạc sĩ Mai Anh chia sẻ.

Để tiết học trực tuyến vui mà vẫn hiệu quả

Hầu hết, các giảng viên đều xem những tình huống kể trên là dễ thương và cho rằng không nên quá khắt khe với các em trong mùa dịch Covid-19.
"Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc nhở các em cần chuẩn bị nghiêm túc cho mỗi buổi học, chọn không gian yên tĩnh để tránh mất tập trung. Tôi thường kiểm tra bài bằng hỏi lại nội dung đã học buổi trước. Em nào học nghiêm túc sẽ trả lời được ngay. Nếu tình trạng "lơ mơ" không chịu chú ý học kéo dài thì tôi sẽ trừ vào điểm ý thức thái độ", thạc sĩ Mai Anh chia sẻ.
Giảng viên Nguyễn Minh Trí cũng lưu ý sinh viên nên chủ động xem bài trước để tránh bỡ ngỡ và có thể trao đổi với thầy với bạn bè, tránh để thời gian chết và tránh để giảng viên "độc thoại".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoàn đồng thời khuyên sinh viên chuẩn bị máy tính và kiểm tra mạng internet trước và nên mạnh dạn tương tác với giảng viên cùng bạn bè.
Để tạo thêm cảm hứng và ý thức học tập cho sinh viên trong giờ học trực tuyến, tiến sĩ Hoàn đã phân chia lớp thành những nhóm để thảo luận theo chủ đề trong "phòng họp riêng".
"Sau đó, tôi sẽ bất ngờ vào từng phòng để đánh giá hoạt động thảo luận. Sinh viên không biết khi nào giảng viên sẽ "đột nhập" vào phòng họp trực tuyến nên lúc nào cũng phải trong tư thế chủ động và thảo luận tích cực. Tôi rất vui vì phương pháp này giúp đánh giá được đúng được thái độ, kỹ năng và kiến thức của sinh viên khi học trực tuyến", tiến sĩ Hoàn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.