Không phải lần đầu tiên học sinh học trực tuyến nhưng đây là lần đầu tiên việc học trực tuyến được mở rộng gần như trên khắp các tỉnh, thành và đi kèm với viễn cảnh kéo dài ít nhất kết thúc học kỳ 1. Những khó khăn đang đi kèm với bao nỗi niềm lo lắng.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố số liệu sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT rà soát tỷ lệ học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến từ đầu năm học mới này. Theo đó, thống kê về con số, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet. Trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có 591.764 học sinh đủ điều kiện tham gia học trực tuyến và số học sinh không đủ điều kiện học trong thời gian này là 53.349 học sinh. Cụ thể, có 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê…
Người đứng đầu ngành giáo dục của TP.HCM phải thừa nhận rằng việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới rất phức tạp, bởi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều phụ huynh phản ánh muốn mua thiết bị điện tử cho con em nhưng không có nơi bán hoặc muốn sửa nhưng không có nơi sửa.
Những con số ấy nói lên điều gì? Đó là ngay ở một thành phố có điều kiện kinh tế lớn nhất cả nước, đã có hàng trăm ngàn học sinh không có điều kiện để tham gia học trực tuyến. Những lý do khó khăn về thiết bị, đường truyền internet… là điều kiện đầu tiên và bắt buộc đối với hình thức học này.
Nhân rộng lên cả nước, với rất nhiều tỉnh, thành khó khăn hơn, con số này sẽ tăng lên đến bao nhiêu?
|
Chỉ tính riêng về thiết bị học trực tuyến và đường truyền internet, đây đã là bài toán không hề dễ giải một chút nào. Bài toán nan giải này bắt buộc lãnh đạo ngành giáo dục phải tìm cách tháo gỡ. Lý do là dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài ở nhiều địa phương. Trong khi đó, học sinh vẫn phải bắt đầu năm học mới để việc học không bị đứt gãy. Khó khăn này cần nhiều giải pháp phải thực hiện ngay lập tức vì việc học trực tuyến cho năm học mới đã chuẩn bị bắt đầu.
Đầu tiên là phải tìm những giải pháp thay thế khác để những học sinh không có điều kiện học trực tuyến tham gia. Chẳng hạn, đứng trước khó khăn này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chuẩn bị chương trình dạy học trên truyền hình. Học sinh tiểu học sẽ bắt đầu chương trình từ ngày 20.9. Học sinh trung học chưa có chương trình học trên truyền hình thì có thể sử dụng bài giảng, kho học liệu trên cổng thông tin điện tử của sở, của các trường và bắt đầu chương trình tùy theo điều kiện của các trường.
Bên cạnh đó, gánh nặng về thiết bị học tập của học sinh khó có thể giải quyết được bằng cách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách. Mỗi trường học cần tìm ra các cách linh hoạt để hỗ trợ học sinh của mình. Chẳng hạn, hiện nay Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An đang kêu gọi hỗ trợ máy tính cũ để sửa chữa, chuyển đến cho học sinh. Hay Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) đang thực hiện chương trình “ATM điện thoại - máy tính cho học sinh nghèo" để kêu gọi các nguồn hỗ trợ cho học sinh. Mỗi trường học tìm ra cách cho riêng mình thì sẽ góp phần làm giảm bớt tỷ lệ học sinh không có điều kiện học trực tuyến.
Ngoài thiết bị học tập hay đường truyền internet, còn có những khó khăn đi kèm việc học trực tuyến sâu xa hơn. Lớp học ở trường công lập vẫn đông học sinh, lớp học ở nhiều trường tư thục, quốc tế đang phải tăng học sinh lên vì thiếu giáo viên bản ngữ giảng dạy do Covid-19. Trong khi đó, ở mỗi lớp học trực tuyến, tỷ lệ học sinh tiếp cận tốt với bài giảng có lẽ chỉ khoảng 20% và thầy cô giáo cũng khó có thể bao quát hết tất cả lớp học. Nội dung giảng dạy trực tuyến đa số vẫn còn rất nghèo nàn, chưa có sự tương tác cần có vì học liệu thiếu và trình độ của giáo viên có hạn.
Những khó khăn, những nỗi lo ấy của việc học trực tuyến khiến chúng ta phải hình dung một tương lai xa hơn cho việc học của con em mình. Đó là phải cố gắng "phủ sóng" vắc xin, tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho thầy cô giáo và học sinh (trước tiên là 12 - 18 tuổi). Khi đã hoàn thành, trường học sẽ được mở lại với tâm thế phòng dịch cao nhất. Đó cũng là cách mà nhiều nước đã làm vì cuối cùng, cũng như người lớn, học sinh cũng sẽ phải từng bước sống chung với dịch để đến trường.
Năm học mới này, giữa hàng trăm ngàn nỗi lo về học trực tuyến, cũng khiến chúng ta có bộn bề suy nghĩ về thế hệ tương lai là con em chúng ta giữa cơn đại dịch.
Bình luận (0)