Học trực tuyến, thi ra sao ?

Bích Thanh
Bích Thanh
11/11/2021 08:30 GMT+7

Một nửa học kỳ 1 đã đi qua, học sinh TP.HCM đã học trực tuyến và chưa biết bao giờ kết thúc nên mối quan tâm hiện nay là các kỳ thi quan trọng sẽ ra sao?

Nhìn nhận về chương trình và hoạt động dạy học, giáo viên Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho rằng đầu năm học, Bộ có công văn điều chỉnh nội dung dạy học ứng phó với dịch Covid-19 nhưng vì chỉ giảm tải nội dung, bài học và số tiết học/môn vẫn giữ nguyên nên cả thầy và trò đều vất vả, nặng nề khi chuyển đổi hình thức dạy và học. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ, các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì học sinh (HS) học tối đa từ 7 - 8 tiết/ngày nên nhà trường phải sắp xếp thời khóa biểu theo quy định. Nếu hiệu trưởng trường nào dám “xé rào” thì giáo viên (GV) và HS nhẹ bớt còn nếu thực hiện đúng thì “học trực tuyến hóa trực tiếp”.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM học trực tuyến từ đầu năm học đến nay

MINH TRẦN

Hiện có tình trạng GV bê nguyên xi tiết dạy trực tiếp thành dạy học trực tuyến từ thời lượng cho đến cách giảng dạy khiến HS phải học liên tục, kéo dài từ sáng đến chiều, đặc biệt đối với HS lớp 12.

Tương tự, ông Phạm Lê Thanh, dạy hóa học tại Q.7 (TP.HCM), băn khoăn những nội dung chương trình khuyến khích HS tự đọc, tự học thì Bộ có đưa vào nội dung yêu cầu trong đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới hay không? Văn bản hướng dẫn giảm tải là dùng chung cho HS cả nước nhưng mặt bằng chung lại khác nhau. Có tỉnh HS đi học trực tiếp, thuận lợi trong tiếp nhận kiến thức nhưng có địa phương HS học trực tuyến từ đầu năm và không biết khi nào trở lại học trực tiếp. Vì vậy, theo GV, Bộ cần công bố rõ và sớm về điều này.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay thực tế họat động giáo dục trên cả nước như hiện nay, nơi học trực tuyến, nơi học trực tiếp nhưng Bộ ra đề chung cho tất cả HS. Học theo hình thức nào thì HS và giáo viên ở khu vực diễn biến dịch phức tạp cũng gặp vô vàn khó khăn. "Bộ yêu cầu các trường tổ chức dạy tinh gọn, cốt lõi thì Bộ cũng nên tinh gọn và đi vào cốt lõi khi biên soạn đề thi cho tương thích" ông Phú đề nghị và cũng mong Bộ công bố sớm về ma trận, cấu trúc đề thi chứ không nên để gần ngày thi, khi HS đã đi gần hết chặng đường mới công bố.

Vẫn còn nhiều HS thiếu thiết bị học tập

Theo các giáo viên, có những vấn đề tồn tại hiện nay sau hơn 2 tháng triển khai dạy học trực tuyến.

Dù Chính phủ, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức triển khai nhiều chương trình hỗ trợ HS nhưng vẫn chưa kịp thời đảm bảo đủ điều kiện thiết bị học tập cho HS. Hiện nay còn nhiều HS học bằng điện thoại, có những điện thoại rất cũ và màn hình nhỏ, mờ rất khó để đảm bảo theo dõi việc học tập. Đường truyền mạng chưa đáp ứng kịp nhu cầu HS sử dụng, nhất là giờ cao điểm.

Mỗi trường, mỗi giáo viên sử dụng các phần mềm và chương trình khác nhau gây khó khăn cho HS trong việc học.

Về việc thực hiện phân phối chương trình và giảm tải của Bộ, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho biết nội dung giảm tải chưa đi sâu vào tính hệ thống của kiến thức và phù hợp thực tế khi giảng dạy. Ông Bình nói thêm, phần lớn giảm tải mang tính cắt giảm cơ học, việc điều chỉnh tập trung vào các mệnh lệnh tinh giản như “Không yêu cầu HS thực hiện”, “Khuyến khích HS tự làm”, “Khuyến khích HS tự đọc”... Vì vậy dù giảm tải nhưng thực tế HS vẫn phải tự thực hiện và HS không thể làm được nếu không có hướng dẫn của GV.

Cũng như những GV và lãnh đạo các trường THPT khác, ông Bình quan tâm việc giảm tải khi học trực tuyến đã triển khai thực hiện thì nội dung chương trình có liên quan đến kiểm tra đánh giá và thi cử của HS hay không, nhất là đối với HS khối 12. "Cần đảm bảo những kiến thức đã tinh giản trong nội dung giảm tải không xuất hiện trong đề thi để tránh gây khó khăn cho GV và HS. Cần có những chỉ đạo về công tác tổ chức kiểm tra đánh giá (kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ) đảm bảo công bằng cho HS, công bằng giữa các trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.