Thay vì cho học sinh lớp 9 ngồi trong lớp làm bài văn tự sự một tiết, có một cô giáo hướng dẫn các em thâm nhập thực tế, làm dự án mang tên Học văn để sống.
|
Đó là cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên văn Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TP.HCM. Dự án Học văn để sống được phát động cho lớp 9A3 vào đầu năm học, lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhà trường, phụ huynh và sự háo hức của các học sinh. Cả lớp chia thành 5 nhóm tham gia dự án. Dưới sự hướng dẫn của một số học sinh lớp 11 và các anh chị sinh viên, từng nhóm đi thực tế, dựng nên các câu chuyện chân thật và sống động từ những mảnh đời thiếu may mắn mà các em gặp gỡ.
Từ những câu chuyện nghe, chụp hình và ghi chép lại, mỗi nhóm cho ra đời một sản phẩm kể chuyện bằng hình ảnh kèm theo một bài văn tự sự. Những sản phẩm này gây ngạc nhiên và xúc động cho người xem bởi các khuôn hình rất chân thật, giàu tính biểu cảm, các câu chuyện có sức lay động lòng người. Chị Cúc - chuyện về một người phụ nữ bị liệt phải di chuyển bằng xe lăn nhưng dành cuộc đời mình chăm sóc các em nhỏ kém phát triển trí tuệ tại chùa Huyền Trang (chùa Lá), huyện Nhà Bè. Một chút của ngày hôm qua - kể về những mảnh đời kém may mắn của các em nhỏ tại chùa Long Hoa. Người tối - là tâm sự của học sinh khiếm thị tại Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc sống qua ô cửa sổ - ghi lại phút trải lòng của cụ Maria Hồng tại Viện dưỡng lão Vinh Sơn về nỗi cô đơn của tuổi già đau yếu cùng niềm tin yêu cuộc sống. Nhọc nhằn đời cha - là câu chuyện đầy cảm động của người cha đôn hậu, dồn mọi tình thương lẽ sống cho năm con và bầy cháu trong xóm rác tại Bình Thạnh.
Điểm đặc biệt nhất ở các sản phẩm của học sinh là cách nhìn về con người. Khi các em viết về những cảnh đời khốn khó, dù sống trong tăm tối nhưng vẫn sáng lên tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, đặc biệt là khát vọng đổi đời, thể hiện qua những lời bình, từng khuôn hình về nhân vật…
|
Không dừng lại ở những sản phẩm, các nhóm còn lập nên một kế hoạch từ thiện rất cụ thể để chia sẻ khó khăn với những nhân vật mà họ gặp gỡ: từ việc tặng sách vở cùng chút quà bằng tiền mặt cho các cháu của nhân vật trong Nhọc nhằn đời cha trị giá vài triệu đồng, đến ý tưởng làm từ thiện tương tác - tới giặt giũ và trò chuyện với các cụ ở viện dưỡng lão. Thậm chí có nhóm lên kế hoạch quyên góp một trăm triệu đồng để tu sửa căn nhà cho chị Cúc.
Để thực hiện dự án văn học đặc biệt này, các em được dạy cách viết văn tự sự, học chụp hình, học về 12 giá trị sống, tiếp theo lên kế hoạch đi thực tế, sau đó là hoàn thiện sản phẩm. Mỗi nhóm có 7 học sinh sẽ phân công nhau 7 công việc chính: làm phóng viên nhỏ (phỏng vấn, thu thập thông tin); viết lại câu chuyện; thiết kế mỹ thuật; đóng vai nhà hoạt động xã hội - thiết kế dự án thiện nguyện để giúp đỡ các nhân vật; tìm hiểu, khảo sát các thông tin về nhân vật; làm thuyết trình; chụp hình. Qua đó, học sinh học được các kỹ năng làm việc nhóm, lên kế hoạch, thuyết trình, lãnh đạo, tự đánh giá, vận dụng công nghệ thông tin, chụp hình… Và điều quan trọng là các em tiếp cận một cách học mới với đặc trưng của cách học này là tự học và dấn thân. Cô Minh Ngọc chia sẻ: “Môn văn không phải là môn học thuộc mà là môn học để sống, tức là để hiểu về cuộc sống và gửi đến người đọc các giá trị về tình yêu thương của con người”.
Đây là một dự án khác biệt, trở thành một xu thế, đó là thay đổi cách học văn - học văn để chúng ta sống, và sống thực sự ý nghĩa hơn. Việc dạy và học văn của cô trò đã vượt ra ngoài khuôn khổ của lớp học để đi vào đời sống.
Hồng Dung
>> VN đoạt HCĐ tin học văn phòng thế giới
>> Thi tin học văn phòng thế giới
>> Thay đổi cách dạy, học văn
>> Cô thủ khoa chuyển từ học văn sang học sử
>> Học vấn cao dễ sống thọ
Bình luận (0)