Đó là TS Nguyễn Hữu Thắng, pháp danh Thích Đạo Tấn, nghiên cứu sinh khóa 1 hệ sau đại học của học viện, với luận án "Ngũ uẩn và pháp hành Thiền tuệ trong A Tỳ Đàm". TS Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đã đại diện trao bằng cho TS Nguyễn Hữu Thắng.
GS Lương Gia Tĩnh, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đánh giá đây là "trái ngọt" đầu tiên, bằng TS Phật học đầu tiên trong hệ thống GD-ĐT thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. TS Nguyễn Hữu Thắng là người đầu tiên tốt nghiệp TS trong số 32 nghiên cứu sinh tại học viện này.
PGS - TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội), người phản biện luận án này, đánh giá A Tỳ Đàm có nghĩa là pháp tối cao, tối thù thắng (Vô tỷ pháp, Thắng pháp).
Việc nghiên cứu này có thể giúp thấu triệt giáo lý của Đức Phật và thiết lập chính kiến trong việc tu học Phật pháp. Hơn nữa, nghiên cứu A Tỳ Đàm có thể giúp hiểu rõ kinh điển và áp dụng trực tiếp vào đời sống hàng ngày. Ông Đông cho rằng Ngũ uẩn trong A Tỳ Đàm và ứng dụng trong thực hành Thiền tuệ là một vấn đề mới, ít người nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Cũng trong sáng 10.9, Học viện Phật giáo Việt Nam trao 7 bằng thạc sĩ cho các học viên đã tốt nghiệp cao học. Đồng thời, học viện cũng khai giảng năm học 2023 - 2024. TS Thích Thanh Quyết là người đánh trống khai giảng.
Tính đến nay, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội có tổng số 734 tăng ni sinh và học viên đang tu học theo 3 cấp, với 4 hệ GD-ĐT là cao đẳng, cử nhân (chính quy và liên thông) và sau đại học (cao học và nghiên cứu sinh). Trước đó, bắt đầu từ tháng 11.2018, học viện có trọn vẹn quy mô và quy trình GD-ĐT Phật học, từ trung cấp, cao đẳng, cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ.
Bình luận (0)