Hỡi các tín đồ của thịt chó, cứ ăn thoải mái đi!

24/02/2014 09:44 GMT+7

'Vậy những người nuôi sẽ an táng chúng cách nào? Chôn, hỏa táng hay thủy táng như các bạn Ấn Độ làm với bò? Hay vứt vào đống rác? Sao lại từ chối cách ít tốn kém nhất là 'khẩu táng' kèm với riềng và lá mơ?'.

"Vậy những người nuôi sẽ an táng chúng cách nào? Chôn, hỏa táng hay thủy táng như các bạn Ấn Độ làm với bò? Hay vứt vào đống rác? Sao lại từ chối cách ít tốn kém nhất là “khẩu táng” kèm với riềng và lá mơ?".

>> Tại sao người ta có thể ăn thịt bạn thân của mình?

Việc Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) đưa ra con số: 5 triệu con chó bị ăn thịt hằng năm ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi bảo vệ loài động vật này tại Việt Nam khiến các bên có liên quan, liên đới rất quan tâm. 

 Ai kiểm dịch thịt chó
Thịt chó được bày bán tại lề đường - Ảnh: Hoài Nam

Người phản đối việc ăn thịt chó liền có dịp để tuôn trào phản ứng và cảm xúc. Họ nói rằng tại sao lại ăn thịt chó trong khi không thiếu các nguồn thực phẩm khác; rằng ăn thịt chó là man rợ, vô nhân đạo… vì con chó là bạn trung thành, thông minh, tin cậy và gần gũi nhất của con người.

Đầu tiên, tôi nói chuyện trên trời dưới đất

Mọi sự vật tồn tại bởi vì nó hợp lý.

Trong tự nhiên, cây cỏ làm thức ăn cho sâu bọ, sâu bọ lại làm mồi cho chim chóc, rồi cá nhỏ làm thức ăn cho cá lớn, thú nhỏ làm mồi cho thú to... và cuối chuỗi thức ăn đó là con người. Đến lượt con người lúc nào đó lại làm thực phẩm cho các loại côn trùng hoặc các sinh vật nhỏ bé hơn là các loài vi khuẩn, nhưng hiện tại - tạm thời Tạo hóa đã cho chúng ta vị trí cao nhất trong cái chuỗi thức ăn kia. Đó là sự thật không thể chối cãi. Đó là qui luật cân bằng của tự nhiên. Và nó hợp lý nên nó tồn tại.

Nhu cầu ăn uống hay ẩm thực là nhu cầu cơ bản và gắn liền với đời người. Và ẩm thực là một yếu tố của văn hóa, chứ không phải của đạo đức hay khoa học. Mà văn hóa thì chỉ có khác biệt với tương đồng, chứ không có khái niệm thấp cao hay sai đúng.

Tôi từng nghe nói rằng xưa rất xưa có một chủng tộc nọ, khi một người thân trong gia đình qua đời, thân nhân cắt thịt người đó cho từng thành viên trong gia tộc nhấm nháp để bày tỏ tình yêu, lòng kính trọng và sự thương tiếc (1).

Như vậy, việc người ta ăn thịt một sinh vật, có khi là đồng loại, từng được xem là một nghi lễ, một biểu hiện của tình cảm (có thể là yêu hoặc ghét như “ăn gan uống máu kẻ thù”), chứ không hẳn chỉ vì thiếu thức ăn.

Chuyện gì xảy ra nếu tất cả chúng ta không ăn thịt?

Ngày nay, những người ăn chay kêu gọi mọi người ăn chay để giảm thiểu việc giết thịt động vật. Giả dụ bỗng một ngày đẹp trời, toàn bộ loài người không ăn thịt động vật nữa thì sao?

Khi không bị giết thịt, động vật sẽ sinh sôi nảy nở nhanh gấp nhiều lần hiện tại, các loài thú ăn thịt không còn sự cạnh tranh vô đối của con người sẽ tăng số lượng một cách chóng mặt.

Hãy nhớ: con vật ăn thịt - chứ không phải là con vật ăn cỏ - bao giờ cũng là con vật mạnh nhất trong thế giới của nó: cá mập là chúa tể đại dương, cọp là vua của rừng, sư tử là lãnh chúa của đồng cỏ.

Vì chỉ có con người mới bảo nhau đừng ăn thịt nữa. Thú hoang nó đâu có bảo nhau làm vậy? Khi đạt tới một số lượng nào đó và không đủ thức ăn, rất có thể chúng nhắm tới con người? Và việc một loài ăn thịt nào đó thay chỗ chúng ta trong chuỗi thức ăn kia là có thể tưởng tượng được.

Một lần nữa: tự nhiên đã sắp xếp như vậy!

Chẳng phải vô tình mà tự nhiên đã sắp xếp cho hầu hết các loài vật được con người thuần hóa khả năng sinh sản mạnh mẽ hơn các loài thú hoang. Heo, gà, mèo, chó đẻ nhanh và đẻ nhiều hơn beo, gấu. Thời điểm được thuần hóa càng sớm thì càng mắn đẻ. Chó, lợn, gà đẻ nhiều hơn ngựa hay voi.

Đó hầu như là một ân sủng dành cho con người. Con người có công chăm sóc nuôi nấng thì được thu hoạch.

Bây giờ nếu không ăn thịt chúng nữa, đồng nghĩa chúng ta cũng không đủ khả năng nuôi chúng nữa, dù là làm thú cưng. Thử tưởng tượng khối lượng chuồng trại và thức ăn phải cung cấp cho số lượng tăng và chỉ có tăng của chúng.

Đến chuyện ăn thịt chó ở Việt Nam

ACPA cho biết 5 triệu con chó bị ăn thịt mỗi năm tại Việt Nam. Ví dụ các môn đệ của món “mộc tồn” bỗng dưng quay lưng với chó, điều gì sẽ xảy ra?

Nếu không bị ăn thịt, 5 triệu con chó kia sẽ sống thọ tối đa khoảng vài chục năm (2). Nếu không triệt sản, dễ dàng tính ra số lượng của chúng sẽ tăng lên bao nhiêu sau một năm, hai năm và vài chục năm? Các bạn, những người bảo vệ chó, sẽ phải làm gì? Các bạn sẽ nói, không sao, chúng tôi sẽ lo được hết, sẽ nhường thức ăn chỗ ở cho chúng, sẽ tiêm phòng và tẩy giun đầy đủ, sẽ hốt phân cho nó, v.v và v.v. Với tính thiếu cẩn thận của người Việt, tôi nghi ngờ điều đó. Các bạn lo cho người còn chẳng xong!

Tất nhiên, cũng sẽ có một phần không nhỏ trong số đó chết theo cách tự nhiên. Vậy những người nuôi sẽ an táng chúng cách nào? Chôn, hỏa táng hay thủy táng như các bạn Ấn Độ làm với bò? Hay vứt vào đống rác? Sao lại từ chối cách ít tốn kém nhất là “khẩu táng” kèm với riềng và lá mơ?

 
Một số du khách Tây cũng không ngần ngại, thậm chí thích thú khám phá món thịt cầy - Ảnh: T.Giáp

Thực ra, lâu nay ông bà ta vẫn xem chó như các loài gia súc khác như trâu bò ngựa... Tức là ngoài làm công cụ lao động thì còn là nguồn cung thực phẩm bổ dưỡng. Nhiều người đặc biệt thấy khoái khẩu với thịt chó, không loại thịt nào hơn được (3). Đó là khẩu vị, là sở thích. Và chẳng ảnh hưởng tí gì đến hòa bình thế giới, đến tồn vong nhân loại.

Nghĩa là yêu vẫn yêu mà ăn vẫn ăn. Cho đến khi người phương Tây đến “khai hóa”, các bạn bắt chước yêu động vật và quyến luyến tình cảm hơn với chó mèo. Các bạn bắt đầu nhìn thấy hình ảnh ghê sợ của cái đầu lâu con chó qua máy ảnh của các bạn Tây ba lô. Các bạn bắt đâu ghê sợ mùi riềng, mùi mắm tôm, những thứ mà trước đây nếu không thích các bạn cũng chẳng ghét.

Và phim ảnh sách báo phương Tây càng tô đậm thêm nhãn quan đó. Tất nhiên, cái gì tốt đẹp thì nên học.

Nhưng, đem chuẩn mực của người Tây mà bảo rằng ăn thịt chó là dã man, là bản năng thấp kém thì quả là đi ngược với tinh thần văn minh của họ. Vì họ luôn tôn trọng sự khác biệt. Chúng ta bị người phương Tây kỳ thị vì nhiều thói hư tật xấu khác chứ không hẳn vì ăn thịt chó.

Tuy nhiên, tôi nghĩ các bạn thích thịt chó nếu có đối tác là người phương Tây thì cũng nên kín đáo cất giữ sở thích của mình, nhất là khi nó lại đi liền với những gia vị nặng mùi. Bạn kín đáo vì bạn tôn trọng họ chứ không phải vì sợ họ đánh giá.

Như nhiều người đã nói, chúng ta chỉ có thể đòi hỏi các quán thịt chó phải có nguồn cung chính đáng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta chỉ có thể lên án và trừng phạt những kẻ trộm chó cướp chó - một dạng trộm cướp tài sản - chứ không thể lên án hoặc miệt thị sở thích ăn uống của người khác.

Phạm Quy (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

------------------------

(1) Endocannibalism là thuật ngữ chỉ tập tục ăn thịt người chết. Các nhà nghiên cứu tin rằng một số bộ tộc ở Nam Mỹ, chẳng hạn như người Mayoruna, đã từng hoặc vẫn còn thực hiện tập tục này.

(2) GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cho biết: Tuổi thọ tối đa của chó có thể lên tới vài chục năm. (Kienthuc.net.vn)

(3) Nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã viết về thịt chó; chẳng hạn “Thịt cầy” của nhà văn Võ Phiến.

>> Phản ứng dữ dội lễ hội thịt chó
>> Sao không kiểm dịch thịt chó?
>> Ai kiểm dịch thịt chó ?
>> Ai kiểm dịch thịt chó? - Kỳ 2: Cầy tơ 3 không
>> Ai kiểm dịch thịt chó? - Kỳ 3: Bỏ ngỏ quản lý
>> Hùn mua... thịt chó
>> Thịt chó ơi, chào mi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.