Hội chứng chào mừng

21/08/2012 03:20 GMT+7

Có câu chuyện buồn cười, hồi đầu năm 2009, chủ đầu tư một công trình trường học tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội sau nhiều tháng giậm chân tại chỗ trong việc chạy thủ tục dự án đã nghĩ ra một cách, vận động để có tên trong danh sách các công trình “chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long”.

>> Nên khởi tố vụ án sụt lở đường Lê Văn Lương
>> Hố "tử thần" trên đường Lê Văn Lương vẫn tiếp tục sụt lún
>> Đường Lê Văn Lương gãy đôi

 Sự thật là chính quyền thì cần có thành tích để báo cáo để chào mừng, doanh nghiệp thì cần được ưu tiên, được tạo điều kiện, nhất là trong việc vượt qua ma trận thủ tục hành chính, nên mới đẻ ra những kiểu bắt tay hài hước như vậy.

Nhưng cũng chỉ sau khi hoàn tất phần thủ tục, chủ đầu tư này chủ động xin rút tên khỏi danh sách “công trình chào mừng” kể trên. “Ép tiến độ thì cũng xong, nhưng như vậy thì không đảm bảo chất lượng, hoặc sau đó phải sửa chữa, cải tạo tốn tiền”, đại diện chủ đầu tư lý giải. Họ làm thế vì đó là vốn tư nhân. Nhưng còn đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì câu chuyện lại khác.

Không phải đợi đến khi sự cố xảy ra đối với đường trục phát triển phía bắc Q.Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài) người ta mới đặt vấn đề về chất lượng các công trình chào mừng đại lễ 1.000 Thăng Long (tháng 10.2010). Vào thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về hậu quả của những công trình “chạy tiến độ”.

Sự thực là, ngay trong ngày gắn biển công trình nghìn năm ở Công viên Hòa Bình, hàng trăm quan khách cũng đã chứng kiến quá nhiều hạng mục chưa hoàn thành hoặc hoàn thành một cách tạm bợ. Rất may, sự vội vàng, cẩu thả đã không gây ra một vụ tai nạn chấn động, ngay trong lễ khánh thành giống như ở công trình Tượng đài Hoàng Quốc Việt (Bắc Ninh) hồi năm 2005 nhưng nó khiến cho nhiều người không khỏi lo ngại, tiếc cho những khoản đầu tư khổng lồ sớm bộc lộ khiếm khuyết.

Trả lời chất vấn tại HĐND TP.Hà Nội, tháng 7.2011, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng từng thừa nhận: đấy đều là những công trình quy mô lớn nhưng chịu áp lực thời gian nên “không tránh khỏi sai sót”. Nhưng rất tiếc, trong cuộc chất vấn ấy, không có dân biểu nào làm cho ra nhẽ, tại sao các công trình ấy phải “chịu áp lực” về thời gian, đến độ bất chấp yêu cầu về chất lượng công trình. Ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm về căn bệnh thành tích lan rộng? Đã có lúc các mốc 200 ngày, 100 ngày, 50 ngày, 20 ngày trước đại lễ trở thành nỗi kinh hoàng của các nhà thầu, chỉ để nhằm thỏa mãn những buổi lễ cắt băng khánh thành tưng bừng của lãnh đạo. Trong khi thực tế họ có thể có nhiều năm trước đó để đẩy nhanh tiến độ nhưng bất thành, chính bởi thái độ thiếu trách nhiệm, chậm trễ của các cơ quan chính quyền.

Chúng ta đã không thiếu những bài học đau xót về kiểu “chào mừng” mang niềm vui ngắn và nỗi buồn dài (hàng nghìn tỉ đồng phải lâm vào cảnh làm gấp, làm dối ở những công trình phục vụ Sea Games 22 là bài học đến giờ còn chưa thanh lý nổi). Thi đua cũng quan trọng, tiến độ cũng cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là đảm bảo chất lượng mỗi công trình.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.