Hội chứng “vàng”

27/07/2015 11:51 GMT+7

“Vàng” đây không phải vàng kim loại, giá cả đang tuột dốc làm vàng mắt nhiều đại gia buôn vàng. Cũng không phải vàng mắt do giá cả leo thang... Vàng đây là sắc màu vàng bình thường trong cuộc sống nhưng lạ hoắc với các công trình cổ, núp bóng trùng tu.

“Vàng” trong ngoặc kép - nghĩa là vàng có vấn đề, vàng đặc biệt. Không phải vàng kim loại, giá cả đang tuột dốc làm vàng mắt nhiều đại gia buôn vàng và cả những người ăn theo cơ hội. Cũng không phải vàng mắt do giá cả leo thang, do hóa đơn tiền điện như diều gặp gió. Càng không phải vàng da do vệ sinh thực phẩm, do liều lượng hóa chất bảo quản mà cơ thể dung nạp gia tăng.

Mặt trước của nhà hát lớn Hà Nội mới được sơn lại - Ảnh: Ngọc ThắngMặt trước của nhà hát lớn Hà Nội mới được sơn lại - Ảnh: Ngọc Thắng
Nghe đâu là để thực hiện ước mơ của mấy vị lãnh đạo theo lời phán của thầy phong thủy? Thiên hạ là màu vàng nhạt, thanh thoát, tinh tế. Còn Việt Nam phải là vàng khè hoa mắt, vàng chóe kệch cỡm mới đẳng cấp. Nhờ internet nên dư luận xã hội bây giờ nhạy bén và cả nhạy cảm, không dễ gì “cả vú lấp miệng em” hoặc “bịt mắt bắt dê” như trước.
Nhân danh trùng tu, nhiều công trình biến dạng, méo mó, không còn vết tích cổ xưa. Trùng tu kiểu đó cũng đồng nghĩa với phá hoại. Đâu là nguyên nhân của sự tùy tiện bạc đãi di tích, gián tiếp góp phần diệt chủng văn hóa dân tộc? Hoặc quản lý dốt nát, hoặc xem di tích như là của riêng, cứ làm theo ý mình (thật ra là của các thầy phong thủy và cả thầy dùi)? Hay là tạo sự kiện để dư luận quan tâm kiểu scandal của nghệ sĩ? Dù nguyên nhân nào thì nhân dân cũng không thể chấp nhận.
Đầu năm 2015, Bưu điện thành phố, một trong những công trình cổ nhất của Sài Gòn, bỗng dưng được khoác áo mới, vàng khè hoa mắt. Dân Sài Gòn phản ứng và cả giận dữ, không nghe và không tin những lý lẽ của mấy học giả đang làm lãnh đạo giải thích. Áp lực và trí tuệ của nhân dân đã buộc các nhà quản lý trả lại màu áo nguyên sơ đằm thắm của bưu điện. Tốn bao nhiêu công sức và tiền thuế của nhân dân, chưa kể mất niềm tin vào kiến thức bảo tồn và thẩm mỹ của nhà nước. Vậy mà cuối cùng, chẳng biết xử lý ai vì lãnh đạo tập thể nên không thể kỷ luật. Đành rút kinh nghiệm sâu sắc từ cái sai này đến cái lỗi khác.
Không chịu thua Sài Gòn, Nhà hát Thủ đô, công trình cổ hơn trăm tuổi, di tích văn hóa quốc gia đặc biệt lại bị bắt khoác màu sơn mới vàng chóe hoa mắt. Lại giải thích vòng vo và đùn đẩy trách nhiệm y như việc sơn mới Bưu điện Sài Gòn. Đáng buồn hơn, đây là công trình văn hóa thuộc Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch. Cho nên đừng trách việc người dân định nghĩa “trùng tu = làm mới chủ quan” (có người giải thích là do “quan làm chủ?”) đang lây lan và phổ biến khắp đất nước. Việc xử lý cũng sẽ rút kinh nghiệm, hòa cả nước chứ không thèm cả làng, y như Sài Gòn thôi. Dân Hà Nội sẽ không để yên cho “người đẹp thủ đô” khoác áo dị hợm, sẽ buộc các nhà quản lý “trả lại cho em” màu sơn nguyên thủy.
Nhân danh trùng tu, nhiều công trình biến dạng, méo mó, không còn vết tích cổ xưa. Trùng tu kiểu đó cũng đồng nghĩa với phá hoại. Đâu là nguyên nhân của sự tùy tiện bạc đãi di tích, gián tiếp góp phần diệt chủng văn hóa dân tộc? Hoặc quản lý dốt nát, hoặc xem di tích như là của riêng, cứ làm theo ý mình (thật ra là của các thầy phong thủy và cả thầy dùi)? Hay là tạo sự kiện để dư luận quan tâm kiểu scandal của nghệ sĩ? Dù nguyên nhân nào thì nhân dân cũng không thể chấp nhận. Giá trị đạo đức bị đảo lộn, xã hội băng hoại và nhiễu nhương bởi cách chúng ta đang hành xử với văn hóa mà cha ông dày công vun đắp hàng ngàn năm. Đây cũng là căn nguyên cho việc xâm hại môi trường, phá hoại cảnh quan mà báo chí và dư luận đang báo động đỏ.
Nhà hát lớn Hà Nội năm 2012 khi chưa được sơn lại - Ảnh: Ngọc ThắngNhà hát lớn Hà Nội năm 2012 khi chưa được sơn lại - Ảnh: Ngọc Thắng
Khi đã tìm ra nguyên nhân thì cách khắc phục không khó. Cái gì do con người làm ra thì con người cũng có thể chấm dứt. Vấn đề cốt lõi là có thật lòng muốn dứt điểm bằng hành động cụ thể hay không, hay là cứ hô hào cho sướng miệng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.