Kết thúc hiệp một cuộc xuống đường giữ cây của người dân Hà Nội. Trên nhiều đường phố, cây bị chặt tả tơi. Trong một số cơ quan công quyền, nhiều người đang viết kiểm điểm, đứng trước nguy cơ mất việc. Động thái của lãnh đạo thành phố đình chỉ công tác nguyên ê kíp thực hiện việc thay cây không mang lại bao nhiêu niềm vui, mà phần nào đó, còn tô đậm thêm sự bế tắc của câu chuyện. Đâu đó, đã có những bài viết phê phán đám đông a dua thiển cận làm đổ bể một kế hoạch của tương lai.
Công nhân chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) chiều 18.3 - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Có thể đám đông đã sai lắm chứ, khi cố giữ những gốc xà cừ ở lại chờ mùa mưa bão. Có thể đám đông đã sai, khi cố giữ những hàng cây hoa sữa mà không tính đến nỗi khó chịu của những người dân sống xung quanh. Có thể đám đông đã khiến cho từ nay về sau, doanh nghiệp phải nhìn những đề án xã hội hóa xây dựng thủ đô bằng con mắt dè chừng vì sợ tai bay vạ gió.
Nhưng đám đông không sai, khi lo lắng rằng 6.700 gốc cây bị chặt xuống cùng lúc là nhát cắt vào lá phổi thành phố vốn đã đủ các bệnh ho lao hen suyễn. Đám đông không sai, khi hỏi những cái cây bị chặt có thật là cây sâu mọt, có nguy cơ gãy đổ hay không. Đám đông không sai, khi thắc mắc hàng ngàn cây gỗ trị giá bạc tỉ sẽ đi đâu, về đâu.
Đám đông không cần phải là chuyên gia trước khi chất vấn những cái cây thay thế kia thực sự là cây gì, có phù hợp với thành phố của họ hay không, sau bao lâu thì sẽ cho cảnh quan, bóng mát, và bao lâu nữa thì sẽ… bị chặt, cho đợt quy hoạch tiếp theo.
Họ có quyền hỏi tất cả những điều ấy, về thành phố mà họ đang sống, không khí mà họ đang hít thở, năng lực của những cán bộ họ đang dùng tiền thuế để nuôi. Nhưng không chỉ họ - những người dân bình thường - không tìm được thông tin, mà ngay cả các nhà báo cũng ngơ ngác nhìn nhau, với 21 câu hỏi đặt ra không được trả lời!
Chẳng được cho xem để biết, chẳng được cho biết để bàn, ấy là lỗi của dân chăng?
Đã từng có một thời, ngày tôi còn nhỏ, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là câu cửa miệng của các bác, các chú. Nhưng rồi cùng với thời gian, câu nói này dần bị lãng quên trong đời sống, chỉ còn xuất hiện trong phim ảnh, được gắn vào miệng những nhân vật ông già cổ hủ, bôn-sê-vích, với mục đích gây cười. Dân quá bận để bàn, để làm, để kiểm tra. Dân phải lao vào kiếm ăn, trước cơn lốc kinh tế thị trường mở ra bao cơ hội, cuốn theo bao đổi thay. Dân quá bận để nghe hết một bản báo cáo tăng trưởng, quá bận để dừng lại xem những gì dán trên bản tin phường. Những bản tin teo tóp lại và rơi rớt dần đi theo những bóng người vắng dần quanh các bàn trà tổ hưu. Dân quá bận để nhớ mình còn là chủ của một cái gì đó lớn hơn, xa hơn cái nồi cơm nhà mình.
Để rồi khi ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy đăng đàn tuyên bố “chặt cây không phải hỏi dân”, sau đó chữa lại là “không phải việc gì cũng hỏi dân, vì việc gì cũng hỏi dân thì lâu lắm, không làm ăn gì được”, dân mới nhận ra mình đã bị mặc định không cần biết, không cần hỏi ở đâu đó và tự bao giờ!
Cứ giả định rằng toàn bộ đề án thay thế cây xanh không sai, mà do người dân đã hiểu lầm. Nhưng “của dân, do dân, vì dân” nghĩa là dân quyết, dân đồng tình. Bầu cử gián tiếp, nghĩa là tất thảy mọi việc đang diễn ra đều đã được thông qua bởi đại diện của nhân dân. Thực thi dân chủ, nghĩa là dù lúc bình thường dân không cần hỏi đến, nhưng ở bất cứ nơi đâu, nếu dân cảm thấy có sự bất thường thì nhà chức trách đều phải có sẵn đáp án để trả lời. Làm sao có thể hiểu không thông qua trưng cầu dân ý trực tiếp đồng nghĩa với dân không cần biết, không cần bàn? Và những việc không phải bí mật quốc gia, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, có gì để không minh bạch hóa?
Thời Khổng Tử, cách đây 2.700 năm, cái thời mà dân trí phần đông vẫn còn mông muội, đến nỗi ông phải giơ tay lên trời mà bảo rằng “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” (Dân chỉ có thể bảo cho làm theo, không thể nói cho hiểu bản chất), thì dân vẫn cứ phải biết để làm cùng, vẫn phải có thêm câu “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân đúng lúc) và “dĩ lâm kì dân” (gần gũi với dân). Vậy giữa thế kỷ 21, khi cả nước đã xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, đang hướng tới 20.000 tiến sĩ, “xa nhân dân, khinh nhân dân, không tin cậy nhân dân”(*) có phải là lựa chọn sáng suốt hay không?
Chẳng nên trách quan chức nào đó cho rằng “hỏi dân” là chuyện không hệ trọng. Cũng chẳng thể trách dân đã quên mất, hay chưa từng biết đến cách chất vấn cho đủ ích nước lợi nhà. Trong cuộc sống, thực ra luôn có những điều như thế: Một thứ gì đó mai một đi không phải vì nó xấu xí, mà vì trong nhất thời đã không có ai cần. Có những giống gạo rất ngon biến mất vì cho sản lượng không cao, vào cái thời mà nhu cầu thiết yếu là được no cái bụng.
Nhưng đến một lúc nào đó, khi đã đi qua ước vọng ăn no mặc ấm, người ta sẽ lại thấy mình cần ăn ngon mặc đẹp. Đó là quy luật tự nhiên. Và tất cả những người trồng lúa khôn ngoan trên thế giới này, thay vì khó chịu với việc khách hàng đã không biết trồng còn chê gạo dở, sẽ phải tìm cách cải tiến giống lúa cũ, hoặc tìm cho mình một giống lúa mới, ngon hơn, với sản lượng cao hơn trước.
Chuyện cây cỏ rồi cũng sẽ qua, nhưng nếu còn gì đó đọng lại sau câu chuyện, thì đó hẳn là: Trong bối cảnh nhu cầu thông tin của người dân đã thực sự tăng cao, chủ động minh bạch hóa thông tin chính là cách tốt nhất để nhà chức trách ghi điểm và giải vây cho chính mình khỏi những rắc rối từ trên trời rơi xuống, ngay từ trước khi chúng kịp diễn ra.
Bình luận (0)