Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Myanmar ngày 21.12 |
afp |
Theo Reuters, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 21.12 đã thông qua nghị quyết đầu tiên về Myanmar sau 74 năm. Nghị quyết yêu cầu chấm dứt bạo lực và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi.
“Hôm nay chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng tới quân đội Myanmar - chúng tôi hy vọng nghị quyết này sẽ được thực thi đầy đủ”, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward phát biểu sau cuộc bỏ phiếu về nghị quyết do Anh soạn thảo.
Từ lâu, các bên không đồng thuận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar. Trung Quốc và Nga không đồng ý đưa ra hành động mạnh mẽ. Cả hai nước này, cùng với Ấn Độ, đều bỏ phiếu trắng vào ngày 21.12. Các thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận.
“Trung Quốc vẫn có những lo ngại”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân phát biểu trước Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu. "Không có giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này. Việc nó có thể được giải quyết đúng đắn hay không, về cơ bản và duy nhất, phụ thuộc vào chính Myanmar", ông Trương nói thêm.
Ông Trương cho biết Trung Quốc muốn Hội đồng Bảo an thông qua một tuyên bố chính thức về Myanmar, chứ không phải một nghị quyết.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp quốc Vassily Nebenzia nói Moscow không coi tình hình ở Myanmar là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và do đó tin rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc không nên giải quyết vấn đề này.
Các cuộc đàm phán về dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã bắt đầu vào tháng 9. Văn bản ban đầu kêu gọi chấm dứt việc chuyển giao vũ khí cho Myanmar và đe dọa trừng phạt, nhưng những câu này sau đó đã bị xóa khỏi nghị quyết.
Nghị quyết mới được thông qua bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" trước tình trạng khẩn cấp liên tục do quân đội áp đặt khi nắm quyền và "tác động nghiêm trọng" của việc đó đối với người dân Myanmar.
Hội đồng Bảo an kêu gọi "các hành động cụ thể và ngay lập tức" để thực hiện kế hoạch hòa bình đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí. Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi "duy trì các thể chế và quy trình dân chủ cũng như theo đuổi đối thoại và hòa giải mang tính xây dựng phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân".
Trước đó, nghị quyết duy nhất về Myanmar được Hội đồng Bảo an thông qua là vào năm 1948. Nghị quyết đề nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thừa nhận Myanmar - khi đó là Miến Điện - là thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)