Sau khi Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình đưa thông tin về kết quả cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình và tác phẩm đạt giải nhất vào chiều 24.5, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã bình luận trái chiều về tác phẩm này. Đây là mẫu biểu trưng có mã số BT190A (M02) có tổng điểm cao nhất (nhận được 86.966 lượt bình chọn của nhân dân và 663 điểm của Hội đồng nghệ thuật).
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thuyết minh biểu trưng Quảng Bình của tác giả là bố cục tổng thể được cách điệu hai chữ cái Q và B (Quảng Bình). Chữ Q tạo hình thành nét cong uốn lượn như biểu thị hình tượng sông Gianh. Chữ B được thiết kế như những dãy núi, hang động hùng vĩ tượng trưng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Khoảng âm chữ B gắn kết với thạch nhũ tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ và tráng lệ của hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, một giá trị nổi bật toàn cầu.
Ngoài ra, Quảng Bình quan là một di tích trăm tuổi có giá trị to lớn về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật quân sự. Quảng Bình quan một biểu tượng đặc trưng về văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt. Quảng Bình quan đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Logo của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO được đặt ở trung tâm nhằm gửi thông điệp đến du khách trong và ngoài nước về điểm đến Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới là niềm tự hào của người dân Quảng Bình.
Màu sắc chủ đạo là màu xanh dương và xanh lá cây. Màu xanh dương là màu của bầu trời và đại dương bao la thể hiện khát khao vươn xa hội nhập và phát triển toàn cầu. Màu xanh lá cây mang ý nghĩa mảnh đất Quảng Bình với hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng, phát triển du lịch bền vững gắn liền với những nét văn hóa bản địa, thể hiện dấu ấn điểm đến.
Nhận xét về tác phẩm này, Hội đồng nghệ thuật cho rằng về nội dung mẫu biểu trưng này thể hiện được một cách tốt nhất yêu cầu thể lệ cuộc thi. Trong đó có các hình ảnh di tích lịch sử Quảng Bình quan, di sản thiên nhiên đặc trưng, đặc điểm tự nhiên sông, biển được hòa quyện với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, có chính có phụ. Cùng với đó, logo của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO được đặt ở trung tâm nhấn mạnh giá trị và đặc điểm nhận diện di sản thiên nhiên riêng có của tỉnh.
Về hình thức, sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật, mẫu biểu trưng này có sự cân đối lý tưởng về cấu trúc, tỷ lệ giữa mảng tĩnh và mảng động, giữa xanh lá và xanh dương, giữa hình và nền, giữa mảng âm và mảng dương, giữa biểu tượng và kiến trúc, hang động và sông biển. Mảng xanh dương bên trái làm nền cho chữ Quảng Bình là thiết kế táo bạo, đem lại sự khác biệt và hình thái mạnh mẽ cho biểu trưng. Mảng sáng giữa biểu trưng rất có ý nghĩa và làm cho biểu trưng trở nên chắc chắn, vừa bay bổng và như đang tỏa sáng...
Cũng theo Hội đồng nghệ thuật, tổng thể biểu trưng này có tính mới, khác biệt và nghiêm trang của biểu trưng đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh. Nó vừa mạnh mẽ, vừa có phần nhẹ nhàng, vừa chắc chắn vừa linh hoạt như tính cách của người và đất Quảng Bình. Mẫu biểu trưng này xứng đáng để được sử dụng làm biểu trưng chính thức của tỉnh Quảng Bình.
Được biết, Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi này gồm: bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật; thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm: Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao; Tiến sĩ sử học Phan Viết Dũng; 3 giáo sư, tiến sĩ là Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội đồng Mỹ thuật ứng dụng - Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Liên quan đến biểu trưng này cũng có một sự cố khá hy hữu khi do sơ suất của bộ phận giúp việc, Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình đã chuyển nhầm logo đạt giải nhất để cung cấp cho báo chí hôm 24.5. Logo chuyển nhầm gần giống với logo đạt giải, chỉ khác phần tượng trưng cho thạch nhũ ở bên trên và không có biểu trưng UNESCO.
Bình luận (0)