Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, chiều nay (11.4), Sở này đã có văn bản gửi trung tâm y tế các quận, huyện yêu cầu các đơn vị này khi phát phiếu thu thập thông tin quản lý sức khỏe các học sinh tiểu học cần có hướng dẫn cụ thể để các gia đình hiểu, cùng hợp tác giúp cập nhật các thông tin về sức khỏe của các con.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trung tâm y tế một số quận, huyện đang phối hợp với nhà trường khai thác thông tin sức khỏe học sinh tiểu học. Mẫu phiếu khai để cập nhật thông tin hồ sơ sức khoẻ cá nhân do Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 831/QĐ-BYT.
tin liên quan
Người bệnh có được sao chép hồ sơ bệnh án ?Gần đây, nhiều bệnh nhân và thân nhân yêu cầu bệnh viện (BV) sao chép (photocopy) toàn bộ hồ sơ bệnh án (HSBA) với mục đích đi nơi khác chữa trị hoặc để tham khảo... Tuy nhiên, phía BV không cung cấp dẫn đến mâu thuẫn, cự cãi, thậm chí là "quậy" BV.
Theo Bà Nhị Hà, mẫu thu thập thông tin này do Bộ Y tế ban hành chính thức phục vụ cho hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Hồ sơ này theo suốt cuộc đời mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành và mất đi. Do đó, có các thông tin thu thập có các câu hỏi toàn diện, nhưng sẽ được cập nhật phù hợp với từng giai đoạn cuộc đời. Tuy nhiên, do sơ suất, phòng y tế một số quận, huyện khi phát phiếu đã không có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách khai phiếu cho từng nhóm đối tượng theo yêu cầu của Sở trước đó, khiến phụ huynh thấy không phù hợp.
Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về các bất hợp lý trong mẫu phiếu, Sở đã yêu cầu các đơn vị khi thu thập thông tin tiền sử sức khỏe của học sinh, nhân dân phục vụ cho lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, cần có hướng dẫn cụ thể theo từng đối tượng, lứa tuổi phù hợp, bảo đảm chất lượng và tránh sự hiểu lầm của người dân và các bậc phụ huynh.
Trước đó, trên trang mạng xã hội, một số phụ huynh phản ánh trong mẫu phiếu gửi học sinh của một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, tại mục 7 có hàng loạt câu hỏi khiến các phụ huynh và học sinh “giật mình”, như: “Biện pháp tránh thai đang dùng”, “kỳ có thai cuối cùng”, “số lần có thai”, “số lần sảy thai”, “đẻ mổ”, “số lần đẻ non”, “số con hiện sống”, “bệnh phụ khoa”, “sử dụng ma túy thường xuyên không?”, “có hút thuốc lào, thuốc lá không?”…
Phiếu điều tra này do trạm y tế phường phối hợp với nhà trường tiến hành thu thập để phục vụ công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bình luận (0)