Hồi hộp cùng ‘Thái hậu Dương Vân Nga’

Hoàng Kim
Hoàng Kim
26/04/2022 11:34 GMT+7

Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga đã trở thành kinh điển, sáng rực với những nghệ sĩ tài danh như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu. Vậy mà “bà bầu” Hồng Vân lại “dám” chuyển thể thành kịch nói, giao cho những diễn viên trẻ.

Đêm 25.4 tại Sân khấu kịch Phú Nhuận, TP.HCM, NSND Hồng Vân tổ chức vở diễn tốt nghiệp cho các học viên lớp Chuyên nghiệp NC 3.2 bằng vở Thái hậu Dương Vân Nga thật sự “quá nặng”. Đây là lứa cây non của Hồng Vân đã trải qua khóa cơ bản, khóa nâng cao và giờ là khóa chuyên nghiệp.Vì vậy Hồng Vân đòi hỏi các em phải bước vào cuộc thử thách lớn. Khán giả ngồi xem mà hồi hộp bởi cùng thấy áp lực như các em.

Nhân vật Dương Vân Nga, Lê Hoàn, Khuông Việt Đại sư, Cố mẫu trong vở Thái hậu Dương Vân Nga

H.K

Thái hậu Dương Vân Nga là vở “nặng ký” không chỉ vì câu chuyện lịch sử đòi hỏi diễn viên phải đủ thần thái để diễn cho ra sự hào hùng của dân tộc, đủ kỹ thuật vũ đạo để diễn cho ra tuồng cổ trang, mà còn khó ở đoạn độc thoại rất dài của Dương Vân Nga, có thể xem là lớp diễn “đinh” của cả vở.

Độc thoại cũng là một môn khó trong nghề diễn, cho nên khi thấy các em bước ra sân khấu là khán giả… hồi hộp. Nhưng thật bất ngờ, em Trang Nhã đã vượt qua trong sự thán phục của mọi người. Kể cả các vai Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Cự Lượng, Kỳ Hoa, Lê Hoàn, Cố mẫu, Tố Quyên, Đinh Lăng đều làm mọi người “rớt tim”. Những nhân vật đó đều có trọng lượng trong toàn bộ câu chuyện, và các em đã hoàn thành khá tốt. Phải nhìn ở góc độ tuổi đời lẫn tuổi nghề các em và cả ở độ khó của kịch bản, thì sẽ chấp nhận, hy vọng. Bởi trong những vụng dại, non nớt hôm nay, vẫn lấp lánh những tia sáng báo hiệu những tên tuổi tương lai. Người trong nghề xem, dự đoán đầy tích cực.

Nhân vật Phạm Cự Lượng (trái) và Đinh Điền

H.K

Cuối cùng, phải hoan nghênh diễn viên Xuân Trang đã chuyển thể từ cải lương sang kịch nói, giữ được cốt lõi rất hay của kịch bản. Và bản dựng của đạo diễn Thanh Hiệp cũng có những cái mới, chẳng hạn lớp diễn Dương Vân Nga tâm sự cùng gươm giáo của tiền nhân, Thanh Hiệp đã thay giàn giáo bằng những con người thật, khiến sinh động hẳn lên. Trang phục cũng đẹp, đúng màu sắc Việt và đúng chất kịch chứ không giống y cải lương, nhìn rất dễ chịu.

Theo nhiều khán giả đánh giá, vở này nếu cắt gọt lại cho gọn chút nữa, trang bị thêm cảnh trí, ánh sáng, thì sẽ diễn được cho các trường học. Lớp trẻ bây giờ ít xem cải lương, nhiều em không biết vở Thái hậu Dương Vân Nga nhưng nếu được xem với phiên bản kịch nói thì rất hay. Giáo dục lịch sử bằng sân khấu có lẽ là một phương án hấp dẫn, hiệu quả. Và nếu diễn thường xuyên thì diễn viên trẻ cũng “lên tay nghề”, chính là hiệu quả của “hậu đào tạo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.