Cuộc binh biến thành Phan Yên (1833 - 1835) của Lê Văn Khôi

Hồi kết của người khởi xướng

10/01/2025 06:30 GMT+7

Thắng lợi nhanh chóng, nhưng đổ vỡ cũng nhanh chóng. Nguyễn Hựu Khôi (Lê Văn Khôi) rơi vào cuộc tấn công từ hai mặt: quân triều đình đánh từ phía đông và quân các tỉnh đánh từ phía tây.

QUÂN LỰC ĐÔNG TÂY BẮT TAY NHAU

Sau những phút đầu tiên còn nghi ngờ tình hình thực tế ở Phan Yên, vua Minh Mạng đã có phản ứng nhanh nhạy. Vua điều ngay binh lính bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận vào nam tiếp viện, đồng thời phái một số chỉ huy từ kinh đô vào để tăng cường. Nhà vua còn thành lập một đội quân thảo phạt và cử thự Hậu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Phan Văn Thúy làm Thảo Nghịch Hữu tướng quân, Hộ bộ Thượng thư là Trương Minh Giảng làm Tham tán quân vụ đại thần, đem biền binh của 6 vệ, theo đường bộ vào nam đánh dẹp, hẹn ngày mồng 4.6 lên đường. Lực lượng các tỉnh được điều động lúc trước cũng thuộc quyền chỉ huy của Phan Văn Thúy.

Hồi kết của người khởi xướng- Ảnh 1.

Một góc Đồng Tập Trận - nơi xử tử những người bị bắt trong thành Phan Yên

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Đến ngày 20.6 năm Minh Mạng thứ 14 [1833], khi nhận được tin bại trận của hai Tổng đốc miền tây, vua Minh Mạng mới cho Vĩnh Thuận hầu Tống Phước Lương làm Thảo Nghịch Tả tướng quân, Thống chế Nguyễn Xuân làm Tham tán đại thần, Thị lang Trương Phước Đĩnh làm Quân trung Tán tương cơ vụ, đem theo biền binh ba vệ Vũ Lâm hữu nhị vệ, Long Vũ tả vệ, Trung Bảo nhất vệ, chia ngồi 22 thuyền các loại có thủy quân, pháo thủ cùng khí giới đầy đủ theo đường biển tiến đi. Vua Minh Mạng chỉ thị cho Tống Phước Lương đem số quân này tiến vào các cửa biển ở Vĩnh Long, Định Tường, tùy cơ tiến đến Phan Yên.

Ngày 25, nhà vua lại lập một cánh quân mới, cho chưởng Tiền quân Lương Tài hầu Trần Văn Năng làm Bình Khấu tướng quân; Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Lâm Tả Dực thống chế Hoành Trung tử Nguyễn Văn Trọng đều làm Tham tán đại thần, Binh bộ Thị lang Trần Chấn làm Tán tương quân vụ, đem theo biền binh ba vệ Vũ Lâm hữu nhất vệ, Tiền Phong tả vệ, Tiền Bảo nhất vệ, chia ngồi 23 thuyền các loại có thủy quân, pháo thủ cùng khí giới đầy đủ theo đường biển tiến đi. Nhiệm vụ của cánh quân Trần Văn Năng là theo đường biển tiến vào cửa Cần Giờ, rồi tùy cơ tiến đánh Phan Yên.

Ngày 28.6, cánh quân của Phan Văn Thúy đánh chiếm lại trạm Biên Long của tỉnh Biên Hòa. Nhưng ông này không tiến đánh tỉnh lỵ ngay, mà đóng lại đó để chờ tích lũy lương thực và tập trung binh lực. Phan Văn Thúy đổ bệnh giữa chừng. Cuối tháng 7, ông giao quyền chỉ huy lại cho các Tham tán Trương Minh Giảng và Hoàng Đăng Thận, còn mình thì về kinh chữa bệnh. Phan Văn Thúy qua đời ở tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 25.7, cánh quân Thảo Nghịch Hữu tướng quân tiến vào tỉnh lỵ Biên Hòa. Ngày 30, lực lượng thủy quân tiên phong của triều đình Huế cũng tham chiến ở khu vực sông Ông Tố. Quân đội các tỉnh Long - Tường, An - Hà cũng tiến lên. Quân nổi dậy bị đánh cả bốn mặt, từ từ rút lui vào trong thành Phan Yên. Ngày mồng 9.8, thế bao vây đã hình thành. Quân nổi dậy cố thủ tòa thành vững chắc để đợi viện binh Xiêm. Nhưng quân Xiêm cũng chỉ tiến được tới khúc sông Cổ Hủ (Chợ Mới, An Giang) thì bị đẩy lui.

CÁI CHẾT CỦA Nguyễn Hựu Khôi

Quân nổi dậy chỉ còn biết giữ thành một cách tuyệt vọng. Từ tháng 11, người ta không thấy Nguyễn Hựu Khôi cưỡi voi đi kiểm tra các nơi nữa. Có nhiều tin báo cho biết Nguyễn Hựu Khôi mắc bệnh chốc lở, rồi chuyển sang phù thũng. Đêm 11.12, có nhiều người cầm đèn lồng chạy đến chỗ Nguyễn Hựu Khôi ở (nhà viên Tổng đốc cũ). Đến cuối canh ba [11 giờ đêm hôm trước - 1 giờ sáng hôm sau], có tin Khôi chết. Sau này, con nuôi Khôi là Bùi Văn Cúc kể lại rằng khi Nguyễn Hựu Khôi bệnh sắp chết, ông ta chỉ căm giận Thái Công Triều phản bội, ngoài ra không nói gì khác. Sáng ngày 12, lính Hồi Lương, Bắc Thuận đều cầm gươm đi tuần trên bốn mặt thành. Canh một [7 - 9 giờ tối] đêm đó, quân nổi dậy chôn Nguyễn Hựu Khôi trong nhà chè nơi Khôi ở. Sáng ngày 13, các đầu mục Hoàng (Hoành?), Trắm, Cước (Tước?), Hòa, Lộc, Dự, Vụ tụ tập lại nhà của Nguyễn Hựu Khôi. Ở trước sân đã có dàn bày khí giới, ở gian chính giữa có một đứa trẻ chừng 7 - 8 tuổi ngồi. Đó là Nguyễn Hựu Câu, con trai của Nguyễn Hựu Khôi, được tôn làm Nguyên súy. Nguyễn Văn Trắm xưng là Điều khiển Hộ giá, ra lệnh cho các thủ lĩnh mỗi đêm phải đem thủ hạ lên thành canh giữ phụ. Từ đây, quyền chỉ huy quân nổi dậy thuộc về Nguyễn Văn Trắm.

Người khởi xướng cuộc đấu tranh đã chết. Những người khác bị bỏ lại bơ vơ, mất mục tiêu đấu tranh, nhưng cũng không có can đảm hàng phục. Họ dựa vào tòa thành kiên cố để kéo dài sự sống. Ngày 16.7 năm Minh Mạng thứ 16 [1835], quân triều đình chia 12 ngả tổng tấn công. Thành Phan Yên sụp đổ, kéo theo bao số phận thảm khốc cho những người cùng tham gia binh biến.

(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký - toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.