Hội Minh thề: Sao chưa nhân rộng?

09/02/2017 12:00 GMT+7

Dư luận xã hội và báo chí ngày càng bức xúc trước việc lễ hội bị biến tướng dị hợm. Thậm chí xuyên tạc truyền thống văn hóa dân tộc và cả tôn giáo.

Không hiếm thấy những lễ hội xô bồ, nhếch nhác, hỗn tạp. Từ nạn cướp ấn, cướp lộc, cướp phết; tranh giành giẫm đạp “mẻ trán gãy tay” đến man rợ với gia súc. Từ tệ hối lộ thần thánh đến những hành vi xằng bậy như nhét và dán tiền vào tượng Phật, ném tiền xuống giếng và các điểm thờ. Cộng hưởng thêm là nạn các dịch vụ chặt chém, trấn lột, móc túi và cả cướp giật khách tham dự...
Công bằng mà nói, không phải lễ hội nào cũng vậy. Các lễ hội Đua bò (An Giang), Đua ghe ngo, Thuyền thúng, Nghinh Ông (các tỉnh phía Nam), Thả diều (Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế), Hoa tam giác mạch (Hà Giang)… vẫn giữ được bản sắc. Bên cạnh lễ hội Pháo hoa rất thành công về du lịch, Đà Nẵng còn hỗ trợ kinh phí đến từng tổ dân phố, từng xóm ấp để cùng liên hoan mừng thành phố giải phóng, đất nước thống nhất. Đặc biệt hơn cả là lễ hội Minh thề ở Hải Phòng, cực kỳ ấn tượng.
Sử sách chép rằng, lễ hội Minh thề có từ năm 1561 khi Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật. Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước.
Trong thời gian xây dựng, ngoài diện tích chùa, một phần diện tích ruộng vườn được bà và những người có chức sắc trong làng chia cho những người trông chùa canh tác, diện tích còn lại giao khoán. Sản phẩm thu được, chia cho người nghèo trong vùng. Hằng năm tích trữ được khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, bà cùng dân làng lập ra Hịch văn Hội Minh thề. "Minh" là minh bạch, ngay thẳng.
Dân làng, từ Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần cho đến dân đen từ 18 tuổi trở lên trong làng đều tham gia cùng uống rượu tuyên thề. Trải qua bao biến đổi của thời cuộc nhưng dân làng Hòa Liễu vẫn gìn giữ lễ hội Minh thề như một nét đẹp truyền thống để giáo dục đạo đức, văn hóa và gắn kết cộng đồng. Thời Pháp thuộc, “Hịch văn hội Minh thề” còn được dịch ra tiếng Pháp để để phổ biến và lưu truyền. Thời bao cấp, hội thề gián đoạn. Năm 2003, lễ hội Hịch văn Hội Minh thề được dân trong làng khôi phục và giữ nguyên giá trị văn hóa.
Tại Lễ hội Minh thề, ban thờ được sắp đặt đơn giản, trang nghiêm. Nổi bật là chiếc mũ quan - đặt trang trọng lên chính diện ban thờ. Một con dao nhọn sắc, một con gà trống thiêng và một bình rượu được đặt ngay dưới ban thờ chuẩn bị nghi lễ. Mọi thủ tục diễn ra nhanh gọn, từ động tác đi lại của đội lễ đến các phần dâng lễ hay nghi thức đều được tối giản theo mong muốn tiết kiệm, hiệu quả nhưng trang trọng.
Theo quy định, chủ lễ phải là bậc cao niên, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, tuân thủ pháp luật. Sau lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước… lễ tuyên thệ bắt đầu. Con dao thiêng bọc vải hồng điều được trao cho chủ lễ để vẽ một vòng tròn tượng trưng trước đài thề và cắm dao vào chính giữa vòng tròn. Dùng dao thiêng cắt tiết gà pha với rượu chia đều cho mỗi người một chén nhỏ như thể hiện sự đồng tâm của cả cộng đồng. Trong khói hương nghi ngút, những lời thề với thần linh, với tổ tiên âm vang cả một góc trời, dạt dào cảm xúc.
Trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân và du khách thập phương, các vị bô lão và nhiều người dân trong làng đã thề “Trước anh linh các bậc tiền nhân, có chư vị thần linh và đất trời chứng giám, chúng tôi xin thề: Dĩ công vi công, thần linh ủng hộ. Dĩ công vi tư, thần linh đả tử. Nếu lấy của công phục vụ việc công thì được thần linh ghi nhận, nhược bằng tham công lấy của công làm của tư thì nguyện cầu bị thần linh trị tội; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Từ các cụ già đến người trẻ phải dạy bảo con cháu không được tham nhũng, nếu không sẽ bị thần linh trị tội. Những ai trong làng bao che tội phạm, chứa chấp của gian tà cũng sẽ bị thần linh trừng phạt.
Nhiều năm nay, lễ hội Minh thề ngày càng thu hút được đông đảo người dân và dư luận xã hội. Đáng tiếc là lễ hội khiêm tốn gói gọn trong làng, xã. Chỉ có các vị cao niên trong làng, trưởng thôn uống rượu thề. Đây là lễ hội “độc nhất vô nhị” hiện nay ở nước ta và có thể, cả thế giới (?). Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, nhấn mạnh triết lý làm quan là nô bộc của dân, liêm khiết, công tâm.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tôi tin “Nếu đã uống rượu và thề trước anh linh tổ tiên, có chư vị thần linh cùng đất trời chứng giám. Dĩ công vi công, thần linh ủng hộ. Dĩ công vi tư, thần linh đả tử” thì chắc nhiều người sẽ không dám tham nhũng. Ít nhất, họ được cảnh báo để còn biết sợ trời đất và luật nhân - quả.
Một lễ hội tuyệt vời và độc đáo như vậy sao chưa thấy các quan chức dám thề? Sao chưa được nhân rộng ra cả nước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.