“Chiếc áo” quan hệ kinh tế ASEAN - Mỹ đang được cơi nới và thượng đỉnh cấp cao hai bên lần đầu tiên trên nước Mỹ là một thời điểm thích hợp để đặt câu hỏi về chiều rộng hay độ giãn của chiếc áo này.
Quang cảnh lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Palm Springs - Ảnh: TTXVN |
Những người cổ súy cho chủ nghĩa duy lợi tin rằng, giữ khối ASEAN hưởng lợi từ tất cả các bên là con đường khả dĩ. Thực tế phản bác phân nửa nhận định này, và chỉ ra tính điều kiện trong từng lựa chọn.
Điều kiện đầu tiên là sẽ không có một cuộc chơi không trả giá. Kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015, bốn thành viên ASEAN - Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam đang mong muốn hái quả ngọt từ Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một số thành viên khác như Philippines và Thái Lan cũng đã bày tỏ quan tâm tham dự. Với một tầm nhìn dài hơn, người ta có thể bắt đầu nói về một sự kết hợp giữa hai thực thể kinh tế. Trong đó, thị trường 600 triệu dân của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thổi vào luồng sinh khí từ các nền kinh tế hàng đầu của các thành viên TPP. Khi các hàng rào thuế quan cùng giảm, khả năng cạnh tranh thương mại ngày nay phụ thuộc nhiều hơn vào những quy định bên trong đường biên giới, TPP có thể là một hình mẫu để AEC - vốn lỏng lẻo, dựa trên nguyên tắc đồng thuận - “nâng cấp” các thể chế của mình.
Tuy vậy, TPP không phải là đũa thần, TPP cũng chưa phải là đích đến, đây cũng không phải là bậc thang cao chót vót để một quốc gia nào đó đùng một cái đứng ngay trên lưng người khổng lồ. Đó đơn giản chỉ là sân chơi với những luật chơi cụ thể và mỗi người tham gia phải lựa chọn có điều kiện để đạt được lợi ích cao nhất từ sân chơi đó.
Xuyên suốt các vòng đàm phán của hiệp định, các nước thành viên ASEAN theo đuổi những mục tiêu khác với những tính toán của họ với các nước láng giềng, thị trường tuy sát sườn và quan trọng, nhưng luôn tồn tại những yếu điểm mang tính “cấu trúc”. Chẳng hạn: Tỷ trọng thương mại nội khối ASEAN dao động chỉ xấp xỉ 25% trong chục năm liên tục, kinh tế các thành viên mang tính cạnh tranh hơn là bổ sung, khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên chênh lệch...
Tính “trung tâm” của ASEAN là trái tim của tổ chức này, là hoa tiêu gắn nó với mạch chuyển động của khu vực lẫn thế giới, nhưng nguy cơ mất đi tính “trung tâm” ASEAN cũng là một lập luận được trình bày khi có những chuyển hướng hay quyết định mang tính táo bạo của một số nước thành viên. Đặc biệt khi các quyết định đó đang đẩy hình dung một “ASEAN cân bằng” trở thành một “ASEAN lựa chọn”. Điều đó cũng đã từng xảy ra vào năm 2005 khi (đa số) các nước ASEAN ủng hộ cơ chế Cộng đồng Đông Á mở dựa trên mô thức ASEAN + 6 bao gồm thêm cả các nước Ấn Độ, Úc và New Zealand (thay vì đề nghị của Trung Quốc dựa trên ASEAN + 3 chỉ bao gồm các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á láng giềng).
Một ASEAN khác
Chuyển hướng ủng hộ một sự có mặt mạnh mẽ hơn của Mỹ là một thí dụ khác ở hiện tại. Trong khi Washington nỗ lực “tái cân bằng kinh tế”, thì thương mại ASEAN - Trung Quốc và Trung Quốc với từng nước thành viên vẫn tăng đều đặn theo từng năm, vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand tăng tốc; sáng kiến “Một vành đai, một con đường” khởi xướng dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn đang trong tầm ngắm tham gia của nhiều quốc gia khu vực. Điều đó lý giải tại sao sẽ không có một đột phá mang tính bước ngoặt dẫu cho bất kỳ hứa hẹn hay diễn từ nào tại thượng đỉnh.
Nguyên tắc đồng thuận theo kiểu “phương thức ASEAN” được nêu ra như lý do để nói về việc ASEAN dễ dàng bị chia ra thành những chiếc đũa rời rạc. Nỗ lực phát triển tập trung vào một lộ trình rõ ràng hướng tới một chiến lược cụ thể và kế hoạch hành động mang tính ràng buộc và cam kết thường bị nhấn chìm bằng sự tôn trọng nguyện vọng và lợi ích của từng thành viên. Nhưng nguyên tắc không phải là bất biến. Nó có thể thay đổi nếu tồn tại một ý muốn xuất phát từ lợi ích (kinh tế lẫn chiến lược; ngắn hạn lẫn dài hạn) giữa các quốc gia. ASEAN bao gồm 10 nước, và chỉ có 4 quốc gia là thành viên của TPP. Thương mại và đầu tư tăng tốc sẽ có nhiều ý nghĩa trong quá trình đa dạng các chương trình hợp tác tiếp theo về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng hay đào tạo nguồn nhân lực... Nhưng quan trọng hơn là quá trình thiết kế luật chơi.
Địa lý của Đông Nam Á với hai phần đặc tính hải đảo và lục địa sẽ được thay thế bằng một bản đồ mang đặc tính khác. Đó là hình dung những đường biên giới mềm, mà bên trong đó các tác nhân vận động theo những quy luật được chế ước khác biệt. Với TPP, sau Sunnylands, một phần bản đồ đã lộ diện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu tham dự hội nghị
Chiều 14.2 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Palm Springs, bang California, Mỹ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ được tổ chức tại Sunnylands, bang California, từ ngày 15 - 16.2.
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay có đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ VN tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Phó tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Cao Vũ Mai.
Theo chương trình, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với các nhà lãnh đạo Mỹ, ASEAN sẽ tham dự phiên thảo luận về kinh tế - thương mại và phiên thảo luận về chính trị - an ninh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia tham dự hội nghị.
Theo TTXVN
|
Bình luận (0)