Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26: Thúc đẩy thực hiện tuyên bố về ứng xử biển Đông

25/04/2015 19:13 GMT+7

(TNO) 'Thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)' là nội dung nổi bật trong cuộc họp trù bị các quan chức cao cấp ASEAN trong ngày 25.4 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 (Hội nghị ASEAN) tổ chức tại Malaysia.

(TNO) “Thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)” là nội dung nổi bật trong cuộc họp trù bị các quan chức cao cấp ASEAN trong ngày 25.4, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 (Hội nghị ASEAN) tổ chức tại Malaysia.

Các quan chức cấp cao ASEAN tại hội nghị trù bị trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ảnh: T.Tiên
An ninh được siết chặt - Ảnh: T.Tiên
Thắt chặt an ninh
Tuy ngày 26.4 Hội nghị ASEAN mới chính thức diễn ra, nhưng từ ngày 24.4, truyền thông trên thế giới đã tập trung khá đông tại Trung tâm báo chí của Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur. “Gần 1.000 phóng viên đăng ký tham dự hội nghị lần này”, Azliyana, thư ký phụ trách truyền thông, cho biết.
Hơn 2.000 cảnh sát được huy động để bảo đảm an toàn cho các nhà lãnh đạo ASEAN và đại biểu tại Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur và Langkawi (Malaysia). Cảnh sát với chó săn đi tuần vòng ngoài, phóng viên, đại biểu tham dự phải trải qua nhiều vòng kiểm tra an ninh. Các khu công cộng tại trung tâm cũng được yêu cầu đóng cửa trong suốt thời gian diễn ra hội nghị. “Tất cả đã sẵn sàng”, Comm Datuk Muhammad Faud Abu Zarim, phó Cục trưởng Cục An ninh nội bộ và Trật tự công cộng nói.
Ngày 25.4, thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung đại diện đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ASEAN. Cuộc họp đã trao đổi về các nội dung liên quan đến xây dựng cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, thúc đẩy các nước trong khu vực ASEAN lên “tầm cao” mới.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng có cuộc họp với Malaysia để xúc tiến việc đầu tư, hợp tác kinh tế giữa hai nước. Malaysia hiện là đối tác giao thương lớn thứ 14 của Việt Nam với tổng giá trị giao thương giữa hai nước lên đến 9 tỉ USD.
Ngày mai, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 diễn ra ngày 26 và 27.4 tại Kualar Lumpur, lễ bế mạc hội nghị sẽ diễn ra tại Langkawi. Dự kiến, một trong những nội dung chính được sự quan tâm của nhiều nước tại hội nghị lần này là thảo luận về việc Trung Quốc đang xây những hòn đảo nhân tạo trên các rạn san hô trên biển Đông.
Chưa thể có múi giờ chung cho ASEAN
Đề xuất về múi giờ chung cho các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ không được thông qua tại Hội nghị ASEAN vì Thái Lan và Campuchia không đồng tình.
Theo đó, múi giờ chung cho khu vực ASEAN dự định sẽ là GMT +8 (trễ hơn 1 giờ so với giờ của Việt Nam). Theo Kyodo News, việc đề xuất múi giờ chung cho ASEAN sẽ giúp phát triển thị trường tài chính cũng như các dịch vụ hàng không trong khu vực.
Tuy nhiên, Thái Lan và Campuchia cho biết ý định thay đổi múi giờ không được nhiều người ủng hộ, dân chúng lo ngại sự thay đổi sẽ gây ảnh hưởng lên cuộc sống của họ.
Bên cạnh việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch chính thức, khối ASEAN còn nuôi tham vọng trở thành một cộng đồng kinh tế chung, sử dụng đồng tiền chung, tiêu chuẩn chung và cả múi giờ chung.
Được biết, trong các nước thành viên ASEAN, Malaysia, Singapore, Philippines và Brunei có múi giờ GMT +8. Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam có múi giờ GMT +7. Myanmar có múi giờ GMT +6 giờ 30 phút. Indonesia, quốc gia của vạn đảo, có ba múi giờ, từ GMT +7 đến GMT + 9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.