Theo số liệu từ UNESCO, Việt Nam hiện đang là quốc gia có số lượng sinh viên du học nước ngoài cao nhất Đông Nam Á. Với nhu cầu học tập và đào tạo nâng cao ở cấp Giáo dục đại học liên tục gia tăng, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực về tốc độ tăng trưởng giáo dục. Nhu cầu phát triển nhân lực chuyên môn, thúc đẩy toàn diện giáo dục không chỉ nằm ở phía người học mà cả ở các nhà làm chính sách.
Nhận định về những hướng đi cần thiết cho giáo dục đại học trong nước, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình Giáo dục, Hội đồng Anh cho biết: "Môi trường giáo dục Việt hiện có nhiều chính sách cởi mở, khuyến khích hợp tác giáo dục và đầu tư hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Có thể nói, quốc tế hóa sẽ là động lực để khối đại học trong nước nâng cao chất lượng, cung cấp chương trình phong phú và chất lượng cho sinh viên, chuẩn bị cho thế hệ nhân sự tương lai sẵn sàng với các đòi hỏi của thị trường lao động toàn cầu hoá. Với các chương trình giáo dục của Hội đồng Anh, chúng tôi đang cùng đồng hành với Bộ GD-ĐT, các trường đại học Việt Nam thông qua việc kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức của Vương quốc Anh trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục tại Việt Nam".
Trên thực tế, số lượng nghiên cứu của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2018-2022, với hơn 60% nội dung có đồng tác giả quốc tế. Chất lượng nghiên cứu theo chỉ số FWCI giữ ở mức cao nhất Đông Nam Á (không bao gồm Singapore). Trước những bước tiến ổn định này, xu hướng tăng cường hội nhập giáo dục hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp cho bức tranh tăng trưởng chung.
Hợp tác nghiên cứu: Nỗ lực đa phương thúc đẩy giáo dục đại học
Đóng góp vào hợp tác phát triển chuyên môn và năng lực đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Hội đồng Anh đã ký Biên bản Hợp tác Giáo dục đề ra kế hoạch hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đánh giá hoạt động đào tạo và tăng cường trao đổi học tập - nghiên cứu giữa hai quốc gia. Trong vai trò của tổ chức quốc tế về hợp tác văn hoá và cơ hội giáo dục, Hội đồng Anh với kết nối trong khu vực và quốc tế sâu rộng đã giúp mở ra nhiều nền tảng trao đổi đa phương tạo điều kiện thúc đẩy chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Cung cấp góc nhìn sâu hơn về hợp tác nghiên cứu khoa học cũng như hỗ trợ đổi mới chuyên môn trong nước, bà Vân Anh cho biết: "Tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua các hoạt động như ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, sửa đổi thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, cũng như hướng tới phát triển các khía cạnh như quản trị đại học, năng lực nghiên cứu và bình đẳng giới. Là một trong những tổ chức tham gia vào tiến trình đó, chúng tôi tin tưởng những hoạt động này sẽ tạo nên hiểu biết mang tính hệ thống, mở ra hợp tác sâu hơn về giảng dạy, nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thúc đẩy dịch chuyển sinh viên hai chiều".
Được biết, nhiều tác động tích cực đang từng bước được tạo nên thông qua các nội dung hợp tác nghiên cứu. Ở mặt hiệu suất, khung phát triển chuyên môn cho các nhà nghiên cứu tại Việt Nam dựa trên kinh nghiệm thực tiễn tại Vương quốc Anh đã góp phần hỗ trợ các tổ chức giáo dục và nghiên cứu lập kế hoạch phát triển chuyên môn và giúp các nhà nghiên cứu trẻ chạm tới thành công trong sự nghiệp. Trong chủ đề "Bình đẳng giới, Đa dạng và Hoà nhập" (GEDI), dự án "Gender Equality Partnerships" (tạm dịch: Hợp tác Bình đẳng giới) hướng tới củng cố bình đẳng giới tại thông qua nỗ lực đẩy lùi bạo lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và khuyến khích chương trình giáo dục STEM dành cho nữ giới tại các tổ chức giáo dục bậc Đại học ở khu vực Đông Nam Á cũng đã tạo ra những tác động tích cực.
Rõ ràng, đào sâu hiểu biết chuyên môn đi cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển, sự hội nhập giữa các quốc gia và các tổ chức trong nước - quốc tế tiếp tục là cách thức hướng đến nền giáo dục bền vững và toàn diện theo nhu cầu cấp tiến của nền kinh tế - xã hội hiện nay. Hướng về phía tương lai, sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, nhà hoạch định chính sách và các đơn vị đại học được kỳ vọng sẽ tiếp tục nhân rộng những tác động tích cực này, không chỉ phục vụ riêng cho nhu cầu giáo dục, mà cả trong chất lượng năng lực quốc gia và các chủ đề phát triển xã hội khác.
Bình luận (0)