Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi?

28/07/2023 10:25 GMT+7

Vinh dự được tham gia cùng đoàn văn học trẻ Đông Nam Á với tư cách một dịch giả dịch sách văn học, bà Nguyễn Lệ Chi - với hơn 25 năm tham gia công tác dịch sách văn học - đã có những chia sẻ về vấn đề hội nhập văn học Đông Nam Á tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á.

Theo lời mời của Hội Nhà văn Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã có mặt tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á - là hoạt động thuộc chương trình Văn chương trẻ Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 26 - 31.7 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bà tham gia phát biểu và đưa ra một số đề xuất để văn chương Đông Nam Á thêm xích lại gần nhau. 

Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi? - Ảnh 1.

Nhà văn, dịch giả các nước Đông Nam Á tham gia chương trình Văn chương trẻ Đông Nam Á

NVCC

Theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, cùng với sự phát triển xã hội, sự hội nhập quốc tế trên thế giới và trong khu vực ngày càng mạnh mẽ, việc hội nhập văn chương Đông Nam Á là con đường tất yếu để người đọc các nước Đông Nam Á có cơ hội thêm hiểu biết lẫn nhau.

Bà dẫn lại thông tin gần đây, ngày 21.7.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân đã mời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân cùng thăm phố sách Hà Nội, trải nghiệm không gian đọc nơi đây, giao lưu với các độc giả Hà Nội và cho rằng đó là một tín hiệu đáng mừng cho những người làm xuất bản vì văn hóa đọc ngày càng được coi trọng.

Tuy nhiên, theo bà, sách văn học Malaysia được dịch sang tiếng Việt chưa nhiều: "Tôi rất mong rằng sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Malaysia, tại thị trường sách Việt Nam sau này sẽ có thêm sách dịch Malaysia cùng các hoạt động hợp tác xuất bản giữa hai nước".

Trước đó, vào năm 2016, dịch giả Nguyễn Lệ Chi và Công ty sách Chibooks của bà đã mời ông Hasri Hasan - một đại diện của ngành xuất bản Malaysia tới Đường sách TP.HCM ký kết bản quyền, trao đổi nói chuyện về nghề nghiệp, công bố các dự án hợp tác xuất bản giữa hai bên, đánh dấu hoạt động đầu tiên tại đường sách có diễn giả là người nước ngoài. 

Cũng trong năm 2016, đơn vị này tiếp tục mời nhà văn Đông Tây và đoàn nhà văn tỉnh Quảng Tây tới TP.HCM, tham gia lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đông Tây - Mộng đổi đời, giao lưu cùng độc giả Việt Nam, ký kết bản quyền về các tác phẩm khác với các nhà văn tỉnh Quảng Tây. Đây cũng là đoàn nhà văn Trung Quốc đầu tiên tham gia sự kiện tại Đường sách TP.HCM. 3 năm sau (2019), dịch giả Nguyễn Lệ Chi sang thành phố Nam Ninh để tham dự lễ ra mắt 7 tác phẩm văn học tỉnh Quảng Tây do Chibooks đã ký kết bản quyền này.

"Như vậy, có thể thấy nếu hoạt động giao lưu hội nhập thực sự, sau 3 năm, chúng ta có khả năng gặt hái được trái ngọt", bà Chi nhìn nhận.

Hội nhập văn học Đông Nam Á tại Việt Nam

Theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, trong vòng 10 năm trở lại đây, việc xuất bản các tác phẩm văn học Đông Nam Á tại Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thường chỉ là một vài cuốn truyện tranh văn học dân gian Malaysia, Indonesia, văn học Thái Lan chỉ có hiếm hoi vài tác phẩm như Đằng sau bức tranh, Nghiệt duyên, Chai thời gian.

Nhằm thúc đẩy giới thiệu và giao lưu văn học giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan, từ năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thái Lan đã triển khai dự án Hợp tác văn học Thái Lan - Việt Nam. Kết quả của dự án này là Tuyển tập văn học Bông sen trong dòng chảy văn học dày gần 800 trang, tập hợp 10 tác phẩm thơ, 20 truyện ngắn của các nhà văn, nhà thơ đương đại tiêu biểu của hai nước Việt Nam, Thái Lan, được in bằng 3 thứ tiếng: Việt, Thái Lan và tiếng Anh. 

Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi? - Ảnh 2.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (giữa) tham gia phát biểu

NVCC

Nhà văn Chen Songsomphan - Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan cũng sang Việt Nam 8 lần trong suốt quá trình triển khai dự án, đồng thời cũng đến Hà Nội giao lưu với độc giả khi ra mắt cuốn Chai thời gian mà ông là tác giả, chia sẻ nhiều điều về tác phẩm cũng như văn học của Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên từ đó tới nay cũng vẫn chưa thấy thêm tác phẩm văn học Thái Lan nào được xuất bản ra tiếng Việt.

"Phải thừa nhận rằng các hoạt động hội nhập văn học Đông Nam Á vẫn chưa nhiều để tạo nên những cơn sóng lớn trên dòng chảy hội nhập. Từ sau khi Việt Nam tham gia vào khối ASEAN năm 1995, lần lượt nhiều nhà văn/nhà thơ tên tuổi của Việt Nam đã được nhận giải thưởng văn học ASEAN như: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Phú Trạm (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009), Nguyễn Nhật Ánh (2010), Nguyễn Chí Trung (2011), Trung Trung Đỉnh (2012), Thái Bá Lợi (2013), Nguyễn Thế Quang (2016), Trần Hùng (2017), Lê Minh Khuê (2018), Trần Quang Đạo (2019), Võ Khắc Nghiêm (2020)… Giải thưởng này trị giá khoảng 1.200 USD, thường do một thành viên của gia đình Hoàng gia Thái Lan chủ trì.

Tuy nhiên các tác phẩm của họ có được dịch và giới thiệu rộng rãi tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á hay không cũng chưa chắc, và ngược lại đối với các tác giả Đông Nam Á từng đoạt giải văn chương Đông Nam Á cũng vậy, cũng chưa thấy xuất bản sách tại Việt Nam. Như vậy sẽ rất khó có thể đưa tác phẩm hay, đoạt giải xích lại gần độc giả mỗi nước", bà Lệ Chi chia sẻ, và cho rằng "điều đó càng khiến chúng ta nhận thấy sự cần kíp hơn nữa trong việc tăng cường thúc đẩy quá trình hội nhập văn chương khu vực Đông Nam Á".

Và những đề xuất

Trong phần phát biểu của mình, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đưa ý kiến rằng, hội nhập văn chương Đông Nam Á không có gì hiệu quả hơn bằng việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu qua lại giữa các nước, đồng thời triển khai mạnh mẽ các dự án dịch thuật xuất bản văn chương đặc sắc của mỗi nước.

"Các quá trình này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ về cả tiền hỗ trợ dịch thuật, xuất bản lẫn truyền thông… của chính phủ mỗi nước. Việc liên tục tổ chức các workshop văn chương và dịch thuật cũng là cách hữu ích, đặc biệt đối với các tác giả trẻ, dịch giả trẻ", bà nói.

Bên cạnh đó, việc mở các trại sáng tác quốc tế, đưa các đoàn nhà văn đi trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc với độc giả ở các nước trong khu vực, cùng giao lưu và trao đổi với độc giả các nước cũng sẽ giúp các nhà văn có những cảm xúc mới mẻ, tạo cảm hứng sáng tác, mở rộng tầm nhìn hơn, mang tính quốc tế hơn, từ đó tác động mạnh mẽ tới việc xử lý vấn đề hoặc xử lý tác phẩm trong quá trình sáng tác.

Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi? - Ảnh 3.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi cùng với Chủ tịch Hội Nhà văn Campuchia Proeung Pranit và một nhà văn trẻ Campuchia

NVCC

Theo bà, việc các hội nhà văn ở các nước liên kết tổ chức các khóa đào tạo cho các dịch giả cũng là điều rất cần thiết, vì dịch giả là người tiếp xúc chặt chẽ với tác phẩm chỉ sau tác giả. "Chính nhà văn Mạc Ngôn cũng từng chia sẻ với tôi rằng, ông biết ơn các dịch giả, vì nếu không có sự yêu thương của dịch giả các nước, tác phẩm của ông đã không được dịch rộng rãi và lan truyền mạnh mẽ tới nhiều nước như vậy", bà Chi nói.

Ngoài ra, bà cũng gợi ý về việc ở mỗi kỳ tổ chức giải thưởng văn chương sau này nếu thêm được một số hạng mục giải thưởng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á như giải tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc nhất, giải phê bình văn học nước ngoài hay nhất… sẽ nâng tầm giá trị giải thưởng; hoặc thậm chí có thể thay phiên nhau hằng năm tổ chức giải thưởng này ở nước đoạt giải thưởng văn chương cao nhất.

Bà cũng nhắn nhủ "đừng quên bổ sung một khu vực đặc biệt chuyên giới thiệu, bán sách văn học Đông Nam Á trong các nhà sách, nhằm giúp độc giả mỗi nước quan tâm hơn và quen dần với việc mua các tác phẩm này, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hiểu biết văn hóa xã hội lẫn nhau; kết hợp tổ chức ra mắt các tác phẩm văn chương với các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực trong những dịp lễ hội ở các nước trong khu vực cũng là một cách quảng bá hấp dẫn và hiệu quả...".

Tìm kiếm điểm chung

Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, văn chương Đông Nam Á vẫn mang sắc thái riêng mà điểm chung là có nền văn học dân gian rất phong phú và đa dạng về thể loại.

Nội dung các tác phẩm văn học Đông Nam Á thường gắn liền với quá trình tạo dựng thế giới và vũ trụ, với quá trình hình thành các bản, làng và các vương quốc cổ. Thể loại đa dạng như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện trạng… Đây cũng là điểm chung của văn học Đông Nam Á. Nhiều ý kiến cho rằng nên dựa vào điểm chung này để phát triển văn học hội nhập khu vực sẽ dễ tìm kiếm tiếng nói chung, sự đồng cảm và chia sẻ của độc giả trong khu vực. Sau khi độc giả đã mở lòng đón nhận thì các tác phẩm thuộc thể loại khác, không phải là điểm chung như vậy cũng sẽ dễ dàng được đón nhận hơn.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.