Làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) của Nguyên, vốn là làng gốm cổ hình thành cách đây hơn 500 năm. Thời hưng thịnh, những nghệ nhân của làng từng được gọi ra Huế để tham gia xây dựng cung điện thời nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô. Những năm thế kỷ 17 - 18 là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng gốm, khi những sản phẩm được ưa chuộng khắp nơi…
Nhưng về sau làng gốm ngày càng bị lãng quên dần, do nhiều biến cố. Dù những nghệ nhân trong làng cố gắng để giữ gìn, nhưng có thời gian làng rơi vào cảnh chỉ sản xuất những sản phẩm gốm chân phương như heo đất, tò he, đồ mỹ nghệ đơn giản, tượng ông táo vào dịp lễ, Tết Nguyên đán…
|
Và mỗi lần về quê nhà, thấy cảnh làng đìu hiu, kiến trúc sư Nguyên không ngừng thôi thúc bản thân phải làm điều gì đó. Và quyết định có tính chất thời điểm, khi Nguyên tham gia triển lãm Âm thanh của đất của họa sĩ Lê Triều Điển và nhà báo Thanh Bình thực hiện tại làng gốm Vĩnh Long, nên ý tưởng về không gian đất nung... đã dần hình thành. “Lần đầu tưởng tượng một không gian trong làng mình, tim tôi muốn ngừng đập, cảm giác lâng lâng còn nhớ đến tận bây giờ”, Nguyên nhớ lại. Ngay lập tức Nguyên trở về nhà, chạy ra ngoài làng, ướm ý tưởng không gian gốm mà mình hình dung vào các góc của ngôi làng, từ những rẻo đất còn trống của nhà mẹ, đến nhà ông bà nội, rồi lan ra bãi đất trống giữa làng...
Nhưng thời gian thực hiện từ ý tưởng cho đến khi Công viên Đất nung thành hình dáng thì mất đến... 10 năm.
Sau khi có phác thảo, đầu tiên Nguyên trở về làng gặp ba mình. Với câu chuyện nói về dự án này, có lẽ ba của Nguyên vừa cảm giác thích thú vừa lo lắng. Người thứ hai Nguyên gặp là ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch xã Thanh Hà lúc bấy giờ, trong một buổi chiều tối tại hàng hiên nhà ông. Vừa trình bày xong, anh cảm giác một luồng điện hào hứng phát ra từ người ông, một sự đồng cảm ngay lập tức. Ông là người quyết định nhanh chóng.
“Một kiến trúc sư đi phác thảo không gian không hề khó, nhưng một kiến trúc sư đi làm nhà đầu tư, thú thật quá khó khăn, phải tự mình làm hết những thủ tục... và thậm chí cả tâm lý của người dân trong làng cũng phải nắm bắt cho hết. Ngôi làng gốm vốn đẹp và yên bình, cây cỏ mọc um tùm nhưng vẫn cảm giác bình yên. Mọi người lo ngại một dự án nếu không được cân nhắc sẽ phá vỡ hình ảnh ngôi làng... Thực sự nhìn lại không hiểu vì sao mình có động lực lớn để vượt qua hết chừng ấy thứ”, Nguyên tâm sự khi cùng tôi đi dạo quanh Công viên Đất nung.
Và Công viên Đất nung đã hình thành như thế.
tin liên quan
Trưng bày tượng gốm cổ 4.000 nămGiờ, làng gốm Thanh Hà đã quá nổi tiếng, với mỗi năm hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Ai đến cũng đều ngỡ ngàng trước ngôi làng gốm với Công viên Đất nung đồ sộ, những kiến trúc lạ mắt, những tác phẩm gốm phong phú được làm ra từ chính những nghệ nhân trong làng...
Và niềm vui lớn của Nguyên còn là đầu năm 2017, Công viên Đất nung Thanh Hà của anh nhận được giải Công trình của năm, giải thưởng danh giá Ashui Awards của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (giải thưởng được mệnh danh là Oscar của ngành xây dựng Việt Nam). “Cảm giác đầu tiên khi biết tin công viên được giải, tôi nghĩ sẽ dành tặng cho những người thợ gốm làng gốm Thanh Hà. Và tôi kỳ vọng với giải thưởng này, mọi người sẽ biết đến chất liệu đất nung nhiều hơn, và ngôi làng cũng sẽ được yêu mến hơn”, kiến trúc sư Nguyên chia sẻ khi nói về giải thưởng và ngôi làng gốm thân yêu của mình.
Bình luận (0)