Hồi sinh làng gốm Phổ Khánh

05/04/2022 10:56 GMT+7

Nằm cách TP.Quảng Ngãi 49 km về phía nam, có một làng gốm đã xuất hiện từ rất lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, làng gốm Phổ Khánh đã thay đổi diện mạo và tiếp tục phát triển.

Làng nghề truyền thống

Làng gốm Phổ Khánh (xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã xuất hiện cách đây rất lâu. Theo nhiều người “có nghề” trong vùng kể lại, từ thời nhà Nguyễn, nghề gốm ở đây đã manh nha. Rồi dần dà, trong lòng Phổ Khánh, nhà nào cũng có hình ảnh chiếc nồi đất trước sân. Chiều xuống, khói lam từ lò nung gốm ôm lấy khung trời quê Phổ Khánh.

Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc

NGUYỄN NHẬT THANH

Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không hề sử dụng một loại nước men nào cả. Nhưng từ thời sơ khai, nồi đất Phổ Khánh đã được tiêu thụ tại nhiều địa phương khác ở Trung bộ. Dù rằng khi ấy, giao thông không thuận lợi, vận chuyển chủ yếu bằng xuồng ghe. Sau 1975, gốm Phổ Khánh đã độc tôn tại phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

Bà Nguyễn Thị Cảnh (ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh) chia sẻ: “Nghề này đã có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Ông bà truyền lại cho cha mẹ, cha mẹ truyền lại cho mình, rồi lớp con mình nối tiếp.”.

Kho gốm ở làng nghề này không bao giờ để trống. Lái buôn từ hai đầu nam, bắc nườm nượp đổ về mua gốm. Người thợ quần quật, lò gốm nổi lửa liên tục. Việc buôn bán diễn ra nhộn nhịp. Nhiều thế hệ người ở đây mưu sinh và lớn lên từ đất.

Nhưng khi đất về tay nông dân, người ta sợ đào lấy đất sét làm gốm sẽ ảnh hưởng đến việc gieo trồng. Do đó nguồn nguyên liệu làm gốm trở nên khan hiếm. Vì đất làm gốm phải là loại đất không lẫn cát, sạn. Mà về sau, chỉ có Mộ Đức, sông Vệ đáp ứng được. Cộng thêm việc đồ nhựa, đồ inox… “hất cẳng” đồ gốm, nên đồ gốm không còn được ưa chuộng như trước nữa.

Sản phẩm gốm Phổ Khánh

NGUYỄN NHẬT THANH

Không sống được bằng nghề gốm, nhiều người dân nơi đây đã bỏ làng vào phố mưu sinh. Chỉ còn một vài hộ mặn nồng và cố gắng “hô hấp nhân tạo” cho nghề truyền thống (giữ cho nghề gốm tại đây không bị mai một). Nhưng vẫn bế tắc.

Hồi sinh cho gốm

Thời bao cấp qua đi, khách sạn, nhà hàng… lên nhiều như nấm sau mưa. Người chủ, khách hàng bỗng ưa những món ăn nấu trong chiếc nồi đất. Cộng thêm việc những món đặc sản Quảng Ngãi, đặc biệt là cá bống kho tiêu thì phải cần sự “cộng tác” của chiếc nồi đất. Họ nhận ra, cơm nấu bằng nồi điện không ngon bằng trong niêu. Và món bánh xèo dùng khuôn đất mới là “đệ nhất”. Và ai nấy đều quen với việc sắc thuốc bằng ấm đất, vàng phải khò bằng nồi đất… Chính vì thế họ đã trở lại đặt hàng. Nhưng lại một vấn đề khác xuất hiện. Khi làng gốm có cơ hội trở lại thời kỳ vàng son, lò gốm lại thiếu bàn tay người thợ.

Làng gốm Phổ Khánh đã xuất hiện cách đây rất lâu

NGUYỄN NHẬT THANH

Nhìn thấy được chướng ngại vật, lớp trẻ tại Phổ Khánh đã dày công nghiên cứu để tìm hướng giải quyết. Anh Lê Phương Nam (ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh) và anh Nguyễn Tấn Hợp (ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh) là hai nhân vật đã gỡ rối thành công cho làng gốm. Trong đó, anh Hợp đã khăn gói vào Bình Dương tìm hiểu mô hình làm gốm bằng máy.

Sự nhiệt huyết, yêu nghề của những người nơi đây đã cho gốm một liều thuốc tái sinh

NGUYỄN NHẬT THANH

Năm 2016, anh Hợp đã đưa mô hình này về xã Phổ Khánh. Sử dụng nguyên lý quay của chiếc bàn xoay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Những chiếc nồi đất làm từ máy đều tăm tắp. Năng suất một ngày gấp ba, bốn lần trước kia, bởi trước nghề gốm được làm hoàn toàn thủ công. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất gốm, đã giúp giảm thời gian tạo ra sản phẩm, tăng năng suất. Sản phẩm đẹp và chất lượng hơn trước kia. Áp dụng mô hình sản xuất mới trong hai năm, anh Hợp đã tạo nên thương hiệu gốm An Khánh. Do lò gốm được đặt tại thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh.

Còn anh Lê Phương Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng quyết định bỏ phố về quê nối nghiệp cha. Cùng áp dụng mô hình hiện đại, gốm tại lò của anh tuy không có tên nhưng hoạt động không nghỉ. Bên cạnh việc sản xuất bằng máy, anh Nam còn nhận hàng của một vài hộ còn làm thủ công để bán giúp. Nghề vất vả, nhưng anh Nam không hề cảm thấy trắc trở: “Nghề này của cha ông mình truyền lại. Mình sinh ra đã trúng ngay cục đất, nên hiểu hết về nó rồi, chỉ cần làm nữa thôi. Mình còn giữ được thì cứ cố mà giữ nghề. Bao giờ không còn kiếm cơm được nữa thì mới tính đường khác”, anh Nam cười nói.

Tạo hình cho gốm Phổ Khánh

NGUYỄN NHẬT THANH

Hiện nay, tại Phổ Khánh có hai lò gốm lớn, hoạt động sôi nổi là lò gốm An Khánh và lò của anh Nam. Thu nhập tuy không cao, nhưng với họ, còn sống được và còn giữ được nghề truyền thống là đã quá đủ. Những con người nơi đây, dù trẻ hay già, họ đều tâm huyết và quyết chí giữ nghề. Tâm sự về nghề gốm, bà Cảnh nói: “Xưa kia, mình cũng nhờ nghề này mà nuôi con mình ba, bốn đứa lớn lên, nay có vợ, có chồng. Nghề truyền thống của ông bà, mình làm thôi chứ bỏ sao được.”.

Qua bao nhiêu thăng trầm, nay làng gốm Phổ Khánh đã thay áo và chuyển mình mạnh mẽ. Gốm Phổ Khánh lại theo chân lái buôn vào Bình Định, ra Đà Nẵng, Huế, thậm chí là Hà Nội. Sự nhiệt huyết, yêu nghề của những người nơi đây đã cho gốm một liều thuốc tái sinh. Tổ nghề thương tình, nên giờ đây, nghề gốm Phổ Khánh đã qua rồi hồi bĩ cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.